SCMP: Trung Quốc chế tạo loại khí tài có thể "thay đổi cán cân sức mạnh quân sự" trên biển
Các nhà khoa học Trung Quốc gần đây tiết lộ quá trình xây dựng hệ thống radar trên biển đã bắt đầu với khả năng phát hiện tên lửa từ cách xa hàng ngàn km.
Binh sĩ Trung Quốc làm việc trên tàu chiến.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc), tàu chiến Trung Quốc được trang bị radar loại này có thể phát hiện tên lửa đạn đạo từ cách xa 4.500km, tương đương khoảng cách từ miền nam Trung Quốc tới phía bắc nước Úc.
Radar cũng có thể theo dõi nhiều mục tiêu đồng thời trong phạm vi 3.500km, tương đương khoảng cách từ Trung Quốc đại lục tới đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Nhóm các nhà khoa học và kỹ thuật do phó giáo sư Sun Donyang từ Đại học Khoa học và Công nghệ Cáp Nhĩ Tân dẫn đầu, cho biết radar này phù hợp để lắp đặt trên các tàu chiến thế hệ mới của Trung Quốc. Mẫu radar đầu tiên đang được chế tạo để phục vụ thử nghiệm.
Trong khi tầm nhìn trên biển bị ảnh hưởng bởi đường cong của Trái đất,sự gia tăng năng lực chưa từng có trong khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu bằng radar có thể mang lại cho hải quân Trung Quốc một lợi thế lớn, các nhà nghiên cứu cho biết.
Radar trên các tàu quân sự hiện nay có tầm hoạt động khoảng vài trăm km, bị giới hạn tầm hoạt động bởi công suất.
Nhóm nghiên cứu nói họ đã vượt qua trở ngại này thông qua các bước tiến về công nghệ, gồm công nghệ đường sắt cao tốc và công nghệ mạng 5G.
Một tính năng khác của radar mới là khả năng áp chế hệ thống điện tử trên các tàu chiến đối phương. Theo SCMP, radar mảng pha chủ động thế hệ mới được tạo thành từ “hàng chục nghìn” bộ thu phát với cấp độ lớn hơn nhiều so với trong các thiết bị thông thường.
Mỗi bộ thu phát có thể gửi và nhận tín hiệu như một radar độc lập. Khi làm việc cùng nhau, chúng có thể tạo ra tín hiệu xung điện từ mạnh tới 30 megawatt, đủ để phá hỏng hệ thống điện tử của bất kỳ tàu chiến nào nằm trong phạm vi cụ thể.
Một nhà khoa học radar ở Bắc Kinh, người không tham gia vào dự án, nói rằng cho đến gần đây, ý tưởng đặt một radar công suất 30 megawatt trên một chiến hạm “ít nhiều vẫn được coi là khoa học viễn tưởng”.
Nhưng Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn trong việc phát triển các radar mạnh mẽ hơn cho các tàu chiến do các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở châu Á, nhà khoa học yêu cầu giấu tên nói, theo SCMP.
"Trung Quốc càng phát triển công nghệ radar hải quân thì càng có khả năng đối phó Mỹ trong khu vực", nhà khoa học này nói.
Ngoài việc radar công suất lớn tiêu tốn năng lượng đáng kể, kích thước cũng là thách thức. Radar 32 megawatt mạnh nhất thế giới của lực lượng không quân vũ trụ Mỹ, đặt tại bang Florida, cần tới không gian 23.000m2 để hoạt động, tương đương 3 sân bóng đá.
Theo SCMP, những tiến bộ công nghệ đã giúp giảm đáng kể kích thước của radar công suất cao, với một số thành phần quan trọng có sẵn với số lượng lớn hơn và giá thấp hơn bao giờ hết nhờ ứng dụng công nghệ 5G.
Hiện tại, ông Sun và các đồng nghiệp vẫn đang gặp phải những thách thức. Để tránh làm hỏng các thiết bị điện tử khác trong không gian hạn chế của tàu, nhóm của ông Sun phải tách radar khỏi hệ thống điện lưới của tàu. Điều này sẽ yêu cầu một số tụ điện lớn, hoạt động với hiệu suất cao như một bộ đệm.
Nhóm nghiên cứu đã nhờ cậy Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (CRRC), đơn vị từng xây dựng dây chuyền sản xuất hàng loạt siêu tụ điện đầu tiên trên thế giới vào năm 2013. CRRC cũng là nhà sản xuất tàu cao tốc với quy mô lớn nhất thế giới.
Tàu cao tốc ở Trung Quốc vận hành bằng dòng điện cao thế để đạt tốc độ vận hành lên tới 350 km/h. Điều này cần tới các tụ điện mạnh mẽ và đáng tin cậy, nhằm đảm bảo khả năng cung cấp năng lượng ổn định và trơn tru trên quãng đường dài.
Nhóm của ông Sun cho biết, kết quả thử nghiệm cho thấy các tụ điện do CRRC chế tạo gần như có thể loại bỏ các cú sốc điện do radar tạo ra trong quá trình hoạt động.
Với trọng lượng hơn 1 tấn một chút, toàn bộ hệ thống cung cấp điện với tụ điện và các thành phần khác có thể lắp vừa trong một con tàu, nhóm nghiên cứu cho biết, khẳng định hệ thống điện trên tàu chiến thế hệ mới có để đáp ứng được nhu cầu điện năng của radar.
Bức xạ điện từ cũng là một mối quan tâm lớn khi phát triển các hệ thống radar quy mô lớn. Ông Sun và nhóm nghiên cứu hiện chưa đánh giá chi tiết tác động của radar đối với các thủy thủ trên tàu hoặc sinh vật biển.
Theo SCMP, công nghệ tiên tiến thường được áp dụng đầu tiên trong ngành công nghiệp quốc phòng, rồi sau đó mới chuyển sang các lĩnh vực sản xuất dân dụng. Nhưng quá trình nghiên cứu radar quân sự cho thấy sự trái ngược.
“Điều ngược lại cũng có thể xảy ra, đặc biệt là khi cần sản xuất một số lượng lớn vũ khí tiên tiến với chi phí thấp”, nhà nghiên cứu radar giấu tên ở Bắc Kinh nói.
Theo nhóm nghiên cứu, lợi thế nằm ở việc Trung Quốc là quốc gia sở hữu số km đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, quốc gia có số lượng trạm phát mạng 5G lớn nhất và quốc gia có tốc độ đóng tàu nhanh nhất, vượt Mỹ. Ba yếu tố này giúp nhóm của ông Sun bắt tay vào dự án chế tạo radar đầy tham vọng.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro nói một nhà máy đóng tàu Trung Quốc có năng lực tương đương 7 nhà máy ở Mỹ. "Điều đó tạo ra mối đe dọa", ông Del Toro nói, theo SCMP.
Nga và Ukraine đang sử dụng các hệ thống trinh sát khác nhau để xác định vị trí và hỏa lực pháo binh của đối phương, trong đó có thể kể đến hệ thống radar Zoopark và AN/TPQ-37...
Nguồn: [Link nguồn]