Sau Trung Quốc, Nga cũng bất ngờ quay lưng với Triều Tiên  

Nga khẳng định, nước này đã dừng nhiều dự án thương mại đã được lên kế hoạch với Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. 

Sau Trung Quốc, Nga cũng bất ngờ quay lưng với Triều Tiên   - 1

Một quân nhân Triều Tiên đang quan sát một chuyến tàu có các công nhân Nga, những người hỗ trợ việc tái xây dựng tuyến đường sắt Rajin-Khasan - một dự án hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông Nga Aleksander Galushka mới đây khẳng định với hãng tin Reuters rằng, các dự án hợp tác thương mại giữa Nga và Triều Tiên đã được lên kế hoạch cách đây 3 năm đều bị dừng thực hiện vì các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. 

Nga vốn bị Mỹ và phương Tây chỉ trích vì có cách tiếp cận ôn hòa với Bình Nhưỡng hơn Washington đồng thời hợp tác thương mại giữa Nga và Triều Tiên cũng tăng mạnh đầu năm nay. Theo đó, chính phủ Mỹ đầu tháng này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và công ty Nga làm ăn với Triều Tiên.

Washington nhấn mạnh, các đối tượng bị trừng phạt vì hỗ trợ chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng và cung cấp dầu mỏ cho nước này. 

Tuy nhiên, ông Galushka trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters nhấn mạnh rằng, Moscow đã thực hiện các chế tài trừng phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên một cách đầy đủ và chân thành. Theo đó, Moscow đã ngừng các dự án hợp tác song phương với Bình Nhưỡng - dấu hiệu chứng minh Triều Tiên đang phải trả giá cho việc theo đuổi chương trình vũ khí của nước này.

"Nga không vi phạm các chế tài trừng phạt và sẽ không thực hiện những hoạt động ngoài khuôn khổ (của nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Qốc thông qua)", Bộ trưởng Galushka, người kiêm lãnh đạo Ủy ban Liên Chính phủ Nga-Triều Tiên khẳng định.  

Sau Trung Quốc, Nga cũng bất ngờ quay lưng với Triều Tiên   - 2

Một người lính đi qua những tấm biển màu trắng ghi Nga (trái) và Triều Tiên (phải) ở biên giới Nga - Triều Tiên  ngày 18.7.2014 .

Các doanh nghiệp Nga đã thảo luận một số dự án hợp tác với Triều Tiên năm 2014. Tuy nhiên, sau đó Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, hạt nhân và vì thế, các dự án không được thực hiện, ông Galushka nhấn mạnh. 

Một trong những dự án hợp tác được gọi là "Pobeda" có nghĩa là Chiến thắng liên quan đến thỏa thuận Nga sẽ dùng các khoản đầu tư và các nguồn tiếp tế để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên của Triều Tiên. 

"Chúng tôi đã nói cảnh báo các đối tác Triều Tiên nhiều lần rằng, hành động của họ gây cản trở rất nhiều, khiến các dự án không thể thực hiện được. Hành động của họ hạn chế mọi thứ, và gây ra sợ hãi", ông Galushka nói, đề cập đến các vụ thử vũ khí của Triều Tiên.

 Một dự án hợp tác khác là tuyến đường sắt nối liền thị trấn biên giới phía Đông Nga Khasan và vùng Rajin của Triều Tiên. Tuyến đường sắt này mặc dù đang được vận hành nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, không vận hết công xuất. Theo ông Galushka, tuyến đường sắt này có thể vận chuyển với công xuất 4 triệu tấn/năm nhưng hiện chỉ vận chuyển 1,5 triệu tấn than đá/năm. 

Về việc Liên Hợp Quốc cũng cấm các nước nhận thêm lao động Triều Tiên, ông Galushka nhấn mạnh, mặc dù các doanh nghiệp Nga muốn thuê lực lượng lao động Triều Tiên nhưng họ sẽ tuân thủ những gì các biện pháp trừng phạt cho phép. Hiện có khoảng 40.000 lao động Triều Tiên đang làm việc tại Nga chủ yếu hoạt động trong ngành chế biến gỗ và xây dựng.

Theo số liệu của Cục Hải quan Liên bang Nga, thương mại song phương giữa nước này và Triều Tiên đã giảm trong 4 năm qua, từ 112,7 triệu USD năm 2013 xuống còn 76,9 triệu USD vào năm 2016. Chỉ có quý I năm 2017, thương mại song phương đạt tới 31,4 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu từ Nga tới Triều Tiên là dầu mỏ, than đá và các sản phẩm tinh chế. 

Khi được hỏi tại sao thương mại giữa Triều Tiên và Nga lại tăng gấp đôi trong quý I năm 2017 trong bối cảnh các vấn đề chính trị đang làm hỏng các dự án thương mại song phương, một phát ngôn viên Bộ Phát triển vùng Viễn Đông Nga trả lời qua email rằng: "Số liệu mới nhất cho thấy đó là sự gia tăng khách quan vì các sản phẩm dầu mỏ Nga xuất khẩu sang Triều Tiên tăng. Xuất khẩu dầu mỏ không bị cấm dưới bất cứ hình thức nào".

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề Triều Tiên, phát biểu trước báo giới, bà Maria Zakharova, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Nga cáo buộc rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Washington đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và Nga đang hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của nước này.     

Về phía Trung Quốc, mới đây, Bắc Kinh vừa ban hành lệnh cấm các cá nhân và doanh nghiệp mở các công ty liên doanh mới với công dân Triều Tiên ở Trung Quốc - một động thái nhằm tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhắm vào Bình Nhưỡng.

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này sẽ cấm nhập khẩu than, sắt, quặng sắt và hải sản từ Triều Tiên theo khuôn khổ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Nga-TQ rầm rộ đưa tên lửa hạt nhân áp sát nhau làm gì?

Vùng đất lạnh giá giáp biên giới Nga-Trung Quốc đang trở thành điểm nóng bởi sự xuất hiện của các tên lửa có thể...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN