Sau trận "đại hồng thủy" khiến hơn 4.000 người chết, TQ đã thay đổi ra sao?

Trong khi Trung Quốc đang quay cuồng với một trong những trận lũ tồi tệ nhất lịch sử, hình ảnh xóm làng, thị trấn chìm trong nước lũ, vỡ đê và nhiều người lính vác bao cát đã khiến không ít người liên tưởng đến cơn “đại hồng thủy” kinh hoàng năm 1998, khiến hơn 4.000 người thiệt mạng.

Sơ tán người bằng thuyền lớn ở Giang Tây (ảnh: Xinhua)

Sơ tán người bằng thuyền lớn ở Giang Tây (ảnh: Xinhua)

Đến ngày 15.7, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 141 người, phá hủy 29.000 ngôi nhà, ảnh hưởng đến hơn 38 triệu người dân ở 27 tỉnh thành Trung Quốc.

Sông Dương Tử đã hứng lượng mưa cao nhất kể từ năm 1961 và mực nước ở 433 con sông khác đã trên mức nguy hiểm khi mùa mưa lũ mới bước vào những ngày đầu tiên.

Ở Giang Tây, một đoạn đê trên hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đã bị vỡ. Trước đó, huyện Bà Dương cũng bị vỡ liên tiếp 14 con đê.

Giới chuyên gia khí tượng cho rằng, hiện tượng El Nino đã đem hơi ẩm từ Biển Đông và Ấn Độ Dương vào Trung Quốc, gây ra những trận mưa kỷ lục.

Rút kinh nghiệm từ “đại hồng thủy” năm 1998, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào các dự án bảo tồn nước và cải thiện hệ thống ứng phó khẩn cấp. Từ năm 2014, Trung Quốc đã xây dựng thêm 146 dự án thủy lợi quy mô lớn.

Nhận thấy vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu kiểm soát lũ lụt, năm nay, Trung Quốc tiếp tục bắt tay vào xây mới 150 dự án bảo tồn nước với tổng kinh phí ban đầu khoảng 184 tỷ USD.

“So với trước năm 2014, Trung Quốc đã có thể giảm 1/2 tỷ lệ người tử vong do thảm họa. Số người bị ảnh hưởng cũng giảm 7,3% và thiệt hại tài sản giảm 69,3%”, Zheng Guoguang – Thứ trưởng Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc – nói.

Đập Tam Hiệp – biểu tượng công trình kiểm soát lũ ở Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

Đập Tam Hiệp – biểu tượng công trình kiểm soát lũ ở Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

Nhiều người ở Trung Quốc cho rằng, thiệt hại do mưa lũ năm nay sẽ không quá khủng khiếp như năm 1998. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, không ít người đặt dấu hỏi rằng, liệu năm sau và nhiều năm sau nữa, mưa lũ vẫn sẽ tàn phá khủng khiếp như hiện nay?

Dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho thấy nhiệt độ trung bình năm ở Trung Quốc đã tăng dần kể từ năm 1951. Khả năng chịu rủi ro về thiên tai của nước này đã năng 54% so với năm 1990.

“Để giải quyết tác động lâu dài của biến đổi khí hậu, Trung Quốc có 2 chiến lược: Thích ứng và giảm thiểu”, Pang Jun – chuyên gia môi trường tại Đại học Renmin – cho biết.

Để ứng phó với mưa lũ khắc nghiệt, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng đê điều, hồ chứa nước mới và đặc biệt là ứng dụng các công nghệ hiện đại vào dự báo, theo dõi và phân tích thiên tai.

Một trong những công trình thủy lợi biểu tượng cho nỗ lực kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc đi vào hoạt động từ sau năm 1998 phải kể đến đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất thế giới chắn nước sông Dương Tử. Tuy nhiên, việc xây dựng đập Tam Hiệp là lợi hay hại vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Một ví dụ điển hình khác cho sự “lột xác” của hệ thống ứng phó lũ của Trung Quốc là hệ thống theo dõi nước sông Hoàng Hà – con sông dài thứ hai châu Á.

Mực nước và dòng chảy của sông Hoàng Hà mùa lũ được theo dõi bởi hệ thống vệ tinh, kết hợp máy bay không người lái. Hệ thống này cung cấp cho trạm kiểm soát những hình ảnh thực về sự thay đổi của lưu lượng dòng chảy ở con sông.

346 hồ chứa lớn dọc sông Hoàng Hà cũng được giám sát bởi khoảng 1.000 máy phát tín hiệu và truyền video.

Binh sĩ Trung Quốc vất vả chống lũ bằng sức người trong trận “đại hồng thủy” năm 1998 (ảnh: China Daily)

Binh sĩ Trung Quốc vất vả chống lũ bằng sức người trong trận “đại hồng thủy” năm 1998 (ảnh: China Daily)

Độ chính xác của hệ thống cảnh báo mưa lũ ở Trung Quốc đạt 88% vào năm 2019. Bộ Thủy lợi Trung Quốc chỉ cần 10 – 15 phút là có thể thu thập thông tin về lượng mưa ở 120.000 trạm quan sát trên cả nước.

Ngoài hệ thống cảnh báo mới, máy bay không người lái và robot cũng được Trung Quốc sử dụng để quan sát lũ trên sông, cũng như tham gia cứu hộ. Một con robot cứu hộ có thể kéo được khoảng 3 – 4 người dưới nước.

“So với năm 1998, việc kiểm soát lũ lụt năm nay đã khác rất nhiều. Tất cả mọi công việc đều được cơ giới hóa”,  Chen Shaoying – một người từng trải qua trận lũ năm 1998 ở Giang Tây – chia sẻ.

“Năm 1998, chúng tôi chỉ có thể đánh giá tình trạng lũ và đê điều bằng kinh nghiệm. Giờ đây, chúng tôi được trang bị các công nghệ mới để xác định chính xác hơn tình hình lũ lụt và đưa ra các cảnh báo cụ thể cho từng ngôi làng”, Tu Peng – Giám đốc trạm thủy văn huyện Tân Can, Giang Tây – nói.

Hôm 9.7, 6 người bị mắc kẹt trong nước lũ do vỡ đê ở huyện Hiệp Giang, Giang Tây đã được phát hiện bằng camera hồng ngoại của máy bay không người lái. Những người này sau đó được giải cứu an toàn.

Nguồn: [Link nguồn]

Vỡ đê ở hồ nước ngọt lớn nhất TQ, 1.000 quân đổ về ứng cứu

Một đoạn video mới xuất hiện cho thấy con đê dọc hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc – đã bị vỡ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – China Daily, Tân Hoa Xã ([Tên nguồn])
Đập Tam Hiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN