Sau Mỹ, một cường quốc khác tuyên bố không gửi F-16 cho Ukraine
Những lời từ chối cung cấp vũ khí giáng đòn mạnh vào nỗ lực tăng cường khả năng quân sự của Kiev.
Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Ảnh: Tom Reynolds
Guardian ngày 31/1 đưa tin, trong 24 giờ qua, các đồng minh phương Tây tỏ ra thận trọng trong việc cung cấp các máy bay chiến đấu F-16 và chiến đấu cơ khác cho Ukraine.
Anh là đồng minh mới nhất từ chối cấp F-16 cho Kiev trong ngày 31/1. "Đây là các vũ khí phức tạp. Chúng tôi không nghĩ việc gửi F-16 và các chiến đấu cơ khác đến Ukraine là phương án khả thi", một phát ngôn viên của chính phủ Anh tuyên bố.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời "không" khi được hỏi rằng liệu Mỹ có cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine hay không. Tuy nhiên, sáng 31/1, ông Biden nhấn mạnh sẽ tiếp tục thảo luận với Ukraine về các yêu cầu vũ khí của Kiev.
Ngày 30/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng Warsaw sẽ chỉ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine khi có sự phối hợp với các đối tác NATO khác.
Đáp lại trước những lời từ chối cung cấp vũ khí, Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục vận động các đồng minh, lập luận rằng phương Tây từng nhiều lần nói không với việc cung cấp xe tăng nhưng giờ đây đã có Mỹ và Đức cam kết viện trợ.
Trong một chuyến thăm tới Paris, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov phát biểu: "Mọi hình thức hỗ trợ đều xuất phát từ con số 0".
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết "không có điều cấm kỵ nào" với việc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine. Pháp cũng cho biết sẽ cung cấp cho Kiev 12 khẩu lựu pháo Caesar sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước.
Khi được hỏi về việc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine ngày 30/1, Tổng thống Pháp trả lời rằng "về nguyên tắc, không loại trừ bất cứ khả năng nào", nhưng ông Macron sau đó đưa ra một loạt tiêu chí trước khi có quyết định chính thức.
Theo Tổng thống Pháp, bất kỳ việc chuyển giao vũ khí nào cho Ukraine phải "không bị coi là hành động leo thang căng thẳng". Các chiến đấu cơ "không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga mà chỉ để hỗ trợ khả năng kháng cự". Ngoài ra, việc viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine phải không làm suy yếu năng lực của các lực lượng vũ trang Pháp.
Kiev bắt đầu một chiến dịch vận động hành lang để phương Tây tiếp tục hỗ trợ các chiến đấu cơ ngay sau khi Đức và Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các xe tăng.
Người phát ngôn lực lượng Không quân Ukraine Yuri Ignat ngày 31/1 cho biết, Kiev đang tìm kiếm 200 chiến đấu cơ để tạo ra "5 lữ đoàn không quân chiến thuật", nhằm giúp Ukraine tạo ra bước đột phá quân sự.
Lực lượng Không quân quy mô nhỏ của Ukraine đã bị suy giảm trong 11 tháng xung đột. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng đối đầu với Không quân Nga cũng như hỗ trợ lực lượng mặt đất tấn công các vị trí cố thủ của Nga.
Việc Mỹ và một số đồng minh châu Âu từ chối hoặc lưỡng lự cung cấp F-16 cho Ukraine được cho là xuất phát từ lo ngại Điện Kremlin có thể lập luận rằng F-16 được cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. Từ đó, Moscow dễ cho rằng đây là một động thái leo thang xung đột do Mỹ và phương Tây ủng hộ.
Ngày 30/1, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lập luận rằng việc các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine ngày càng đẩy họ đến "trạng thái tham gia trực tiếp vào xung đột" và khẳng định việc cung cấp vũ khí không thay đổi cục diện chiến sự.
Ngày 30/1, Hungary, Áo và Serbia tuyên bố không cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Lập trường của Hungary rất rõ ràng: Chúng tôi không chuyển vũ khí tới khu vực có xung đột để tránh leo thang căng thẳng. Điều này trùng khớp với lập trường của Áo", ông Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczky tuyên bố và lưu ý rằng ông cùng người đồng cấp Áo đã thảo luận về tình hình ở Ukraine trong ngày 30/1.
"Chúng tôi sẽ bán vũ khí cho nhiều nước, trừ Nga và Ukraine", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố.
Nguồn: [Link nguồn]
Tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga sẽ bắt đầu sản xuất mẫu súng trường tấn công Kalashnikov AK-12 mới nhất trong năm nay.