Sau 20 năm, liệu Mỹ có đóng cửa nhà tù tai tiếng Guantanamo?
Ngày 11-1 vừa qua đã đánh dấu 20 năm tồn tại của nhà tù Guantanamo khét tiếng của Mỹ (nằm trên vịnh Guantanamo, Cuba). Đây là nơi bị chỉ trích khi giam giữ trái pháp luật và vô thời hạn những người bị coi là nghi phạm khủng bố. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông muốn đóng cửa nhà tù gây tranh cãi này, nhưng điều đó dường như khó thực hiện trong tương lai gần.
Vào ngày 11-1 năm 2002, một máy bay quân sự của Mỹ đã hạ cánh xuống căn cứ ở vịnh Guantanamo (Cuba). Những người đàn ông đầu tiên bị Phó Tổng thống Dick Cheney lúc bấy giờ gọi là “điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ nhất” đã bị đưa vào trại giam. Sau vụ tấn công khủng bố 11-9, trại giam Guantanamo (hay còn gọi là Gitmo) được cựu Tổng thống George W. Bush thành lập để giam giữ nghi phạm khủng bố. Kể từ đó, nó đã trở thành tâm điểm của sự phẫn nộ quốc tế bởi những cáo buộc về tra tấn và ngược đãi những người bị giam giữ. Trong 2 thập kỷ qua, 780 người đã bị giữ tại đây. Hiện nay, cơ sở này còn 39 nghi phạm.
Di sản của bất công và lạm dụng
Từ trải nghiệm bản thân, Mansoor Adayfi cho rằng, nhà tù Guantanamo đại diện cho “20 năm bất công, tra tấn, lạm dụng, vô luật pháp và áp bức”. Người đàn ông này đã trải qua hơn 14 năm tại đây, từng chịu tra tấn, sỉ nhục và lạm dụng. Là người gốc Yemen, Adayfi lúc 18 tuổi đã bị các chiến binh Afghanistan bắt cóc và giao cho CIA với cáo buộc anh là người tuyển quân cho al-Qaeda. Suốt thời gian bị giam giữ cho đến khi được trả tự do vào năm 2016 ở Serbia, thanh niên này một mực nói mình vô tội. Đến nay, anh tiếp tục vận động để đóng cửa nhà tù Guantanamo và đảm bảo công lý cho những người bị giam giữ. “Guantanamo là một trong những vụ vi phạm nhân quyền lớn nhất thế kỷ 21. Công lý có nghĩa là đền đáp, có nghĩa là thừa nhận, có nghĩa là phải xin lỗi” - Adayfi nói. Với người đàn ông này, con đường dẫn đến công lý sẽ bắt đầu bằng việc đóng cửa trại giam và kết thúc những bí mật xung quanh các vụ lạm dụng ở đó.
“Nhà tù an ninh cao nhất mà Chính phủ Mỹ duy trì là ở Guantanamo. Và nó được thiết kế chỉ để giam giữ vô thời hạn những người Hồi giáo vì nghi ngờ hỗ trợ khủng bố” - ông Robert McCaw, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ tại Hội đồng quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR) cho biết. Theo ông McCaw, thực trạng này nêu bật sự thiên vị chống Hồi giáo trong các chính sách của Chính phủ Mỹ sau sự kiện 11-9. “Chừng nào nhà tù này vẫn còn, nó không chỉ là vết nhơ trong hồ sơ nhân quyền của quốc gia mà còn là bằng chứng cho cách phân biệt đối xử mà các nghi phạm Hồi giáo áp dụng trong hệ thống tư pháp Mỹ” - ông McCaw nói.
Bà Daphne Eviatar - Giám đốc Chương trình an ninh với nhân quyền tại Tổ chức Ân xá quốc tế Hoa Kỳ cho biết, việc Guantanamo đã mở cửa được 20 năm “bản thân nó đã là một di sản rất đáng lo ngại”. “Chừng nào Mỹ chưa sẵn sàng đóng cửa nhà tù, chuyển những người bị giam giữ đến những nơi mà quyền con người của họ được tôn trọng, đồng thời thừa nhận và bồi thường cho những lạm dụng đã xảy ra tại Guantanamo, di sản của nhà tù Mỹ tại vịnh Guantanamo sẽ tiếp tục” - bà Eviatar nói. Người phụ nữ này cũng cho biết, con đường tiến tới để đóng cửa nhà tù là “rõ ràng” và “không đặc biệt khó khăn”, đó là xét xử những người bị cáo buộc là tội phạm quốc tế tại các tòa án liên bang của Mỹ và chuyển giao những tù nhân không bị buộc tội cho các quốc gia khác, nơi họ sẽ không phải đối mặt với hành vi vi phạm nhân quyền. Bà nói: “Tổng thống Biden không có lý do gì để không đi theo con đường đó”.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn thận trọng thu hẹp quy mô nhà tù Guantanamo
Bài toán đóng cửa Guantanamo
Trước phản ứng dữ dội của quốc tế, Tổng thống Barack Obama (khi đó ông Biden giữ chức Phó Tổng thống) đã coi việc đóng cửa Guantanamo là một mục tiêu quan trọng khi mới nhậm chức. Ông Obama nói sẽ đóng cửa cơ sở này trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, nhưng thực tế chỉ cắt giảm một phần hoạt động của nó sau phản ứng dữ dội tại Quốc hội. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng từng nói muốn đóng cửa sản phẩm của cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” này. Tuy nhiên, theo tờ New York Times mới đây, nó sẽ được mở rộng dưới thời chính quyền Biden với 1 phòng xử án mới trị giá 4 triệu USD được xây dựng trong năm nay.
Về nguyên tắc, chính quyền Biden muốn thu hẹp quy mô trại giam Guantanamo bằng cách thả những người bị bắt giữ không được coi là mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng họ cũng muốn tránh bị coi là mềm mỏng trong các vấn đề an ninh quốc gia - đặc biệt là sau khi rút khỏi Afghanistan. Có lẽ họ không muốn đóng cửa nhà tù này vì lo ngại khủng bố quốc tế gia tăng, đồng thời cũng không muốn tạo ra một làn sóng tranh cãi ở Quốc hội vốn đã chia rẽ bởi nhiều xung đột. Ông Biden nói trong bài phát biểu tuyên bố kết thúc chiến tranh ở Afghanistan rằng, Mỹ cần phải thích ứng với các mối đe dọa ngày nay và vượt qua những mối đe dọa từ 20 năm trước. Nỗ lực đáng chú ý nhất của chính quyền hiện tại là lần đầu cho nghi phạm hồi hương.
Abdul Latif Nasser - một người đàn ông Maroc chưa bao giờ bị cáo buộc tội ác đã được đưa về nước cuối tháng 10-2021. Theo thông tin mới nhất, Mỹ đã chấp thuận thả thêm 5 tù nhân từ Guantanamo. Theo các tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ đăng trực tuyến trong tuần này thì 3 trong số 5 người bị bắt giữ đến từ Yemen, 1 người đến từ Somalia và người còn lại đến từ Kenya. Trong số 39 người hiện đang bị giam giữ có 18 người đã được chấp thuận thả. Tuy nhiên, họ chưa thể ra khỏi trại giam ngay lập tức khi Washington tìm kiếm các thỏa thuận với quốc gia của những người bị giam giữ hoặc các quốc gia khác để chấp nhận họ.
Trước đó, Mỹ ngầm thừa nhận rằng, Gitmo đã là một thất bại nặng nề, không thực sự thu được bất kỳ kết quả nào cho tình báo Hoa Kỳ, thể hiện ở việc Tổng thống Bush thả hơn 500 người bị giam giữ trong nhiệm kỳ của mình. Đó cũng là lý do tại sao Thiếu tướng Thủy quân lục chiến Michael Lehnert (hiện đã nghỉ hưu, là người được giao nhiệm vụ mở trung tâm giam giữ tại Gitmo) lớn tiếng nhất chỉ trích việc duy trì cơ sở này. Một điểm mấu chốt khác là chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết một cách tiếp cận chính sách đối ngoại lấy quyền con người làm trung tâm, trái ngược với các đối thủ của mình, vì thế nhiều người hy vọng Gitmo sẽ sớm đóng cửa sau 20 năm.
Việc duy trì hoạt động của nhà tù Guantanamo tiêu tốn khoảng 13 triệu USD/năm và cơ sở này là biểu tượng cho sự vi phạm nhân quyền của Mỹ suốt 20 năm qua. Có rất ít lý do để tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi trong tương lai gần, điều đó có nghĩa là ít nhất hàng chục người sẽ tiếp tục ngồi tù mà không được đưa ra xét xử, dù lẽ ra họ phải được trả tự do từ lâu. |
Nguồn: [Link nguồn]
Video vụ việc bị rò rỉ trên mạng xã hội dẫn tới một cuộc điều tra các thành viên tại nhà tù.