"Sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc chưa đủ sức dọa Mỹ
3 tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở Thái Bình Dương trong bước đi được cho là nhằm phô trương lực lượng theo sau những động thái và phát biểu khiêu khích của Trung Quốc ở khu vực.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu sân bay USS Nimitz (ở xa) tại biển Philippines hôm 23-6. Ảnh: Hải quân Mỹ
Sự hiện diện cùng lúc của 3 tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan tại khu vực - lần gần đây nhất là 3 năm trước - dường như có liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về một loạt vấn đề, trong đó mới nhất là đại dịch Covid-19.
Tờ Global Times (Trung Quốc) lập tức cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách tiến hành tập trận quân sự và thể hiện khả năng, quyết tâm "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ".
Tờ báo này cũng không quên nhắc đến 2 loại tên lửa DF-21D, DF-26 được xem là "sát thủ tàu sân bay". Hai tên lửa này được cho là có tầm bắn lên đến 1.450 km nhưng không có nhiều thông tin về hệ thống dẫn đường và chi tiết kỹ thuật của chúng.
Dù vậy, những loại tên lửa này vẫn không ngăn các lãnh đạo hải quân Mỹ khẳng định tàu sân bay của họ sẽ hoạt động "bất kỳ nơi nào" trong vùng biển quốc tế nếu cần.
Một số nghiên cứu thăm dò thiết kế dành cho các tàu sân bay tương lai theo sau 3-4 tàu sân bay lớp Ford đang được đóng. Những lựa chọn khả dĩ là phát triển loại tàu sân bay nhỏ, nhanh hơn hoặc mở rộng tầm hoạt động của máy bay không người lái phóng từ tàu sân bay.
Trước mắt, theo chuyên gia quân sự người Mỹ Kris Osborn, những tàu sân bay hiện tại vẫn còn "đất dụng võ" vì nhiều lý do.
Các tên lửa DF-21D, DF-26 không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu sân bay hoạt động bên trong tầm bắn nói trên trừ khi những tên lửa này được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác và có khả năng tấn công mục tiêu đang di chuyển.
Trong khi đó, hải quân Mỹ tiếp tục cải thiện hệ thống phòng thủ nhiều lớp của tàu chiến. Ngoài ra, tàu sân bay thường đi theo nhóm tác chiến, đồng nghĩa chúng được bảo vệ bởi các tàu khu trục, phương tiện giám sát và tấn công từ trên không.
Không dừng lại ở đó, hải quân Mỹ tiếp tục đạt tiến triển nhanh chóng trong nỗ lực trang bị vũ khí laser trên tàu chiến nổi và hệ thống tác chiến điện tử có khả năng làm nhiễu loạn tên lửa hướng đến, từ đó ngăn chặn hoặc làm nó chệch hướng.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt và Nimitz tại biển Philippines hôm 23-6. Ảnh: Hải quân Mỹ
Hơn nữa, hệ thống phòng thủ nhiều lớp của hải quân không chỉ được trang bị bộ cảm biến mới có phạm vi hoạt động xa hơn mà còn có cả tên lửa đánh chặn được nâng cấp để hoạt động chính xác hơn.
Chẳng hạn như các tên lửa SM-6 và Evolved Sea Sparrow Missile Block II (ESSM Block II) được nâng cấp về phần mềm và bộ cảm biến để tiêu diệt các "mục tiêu di động" đang hướng đến. ESSM Block II còn có chế độ cho phép đánh chặn tên lửa phá hủy bay song song gần mặt biển.
Trong khi đó, các hệ thống cảm biến trên không, như máy bay không người lái tiên tiến cũng giúp ích trong việc giám sát và đối phó tên lửa của đối phương.
Ngoài ra, hải quân Mỹ còn phát triển hệ thống có khả năng đánh chặn và tiêu diệt tên lửa chống hạm từ trên không. Hệ thống sử dụng năng lực giám sát của máy bay Hawkeye hoặc chiến đấu cơ F-35 để phát hiện tên lửa đang bay đến và sử dụng tên lửa SM-6 để đánh chặn nó từ xa.
Những bước tiến trên cho thấy bất chấp lời đe dọa của Trung Quốc về việc các loại tên lửa DF-21D, DF-26 sẽ khiến tàu sân bay Mỹ trở nên "lỗi thời", các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ vẫn không ngán gì chúng. Điều này đặc biệt đúng nếu tháp tùng tàu sân bay là loại tàu khu trục DDG 51 được trang bị nhiều vũ khí hiện đại.
Nguồn: [Link nguồn]
Những người luôn ủng hộ việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và cho rằng làm vậy sẽ khiến Bắc Kinh tổn thất về kinh tế...