"Sát thủ" giúp Đài Loan diệt tàu sân bay TQ, trực thăng chiến đấu cũng hóa "mồi ngon"?
Báo chí Trung Quốc nhận định "sát thủ diệt hạm" mới của Đài Loan sẽ bị trực thăng chiến đấu Z-9 tiêu diệt trước khi kịp tấn công tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, báo chí Đài Loan cho rằng các đồng nghiệp Trung Quốc đại lục đã "bỏ qua" các lỗ hổng của Z-9.
"Sát thủ diệt hạm" mới của Đài Loan được nhận định là có thể tiêu diệt tàu sân bay Trung Quốc. Ảnh: Twitter
Tờ Taiwan News hôm 18/12 đưa tin, tại một buổi lễ ở nhà máy đóng tàu Lungteh thuộc thị trấn Su-ao, Nghi Lan, Đài Loan, diễn ra hôm 15/12, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã chủ trì lễ hạ thủy tàu hộ tống tên lửa dẫn đường lớp Tuo Chiang, được chế tạo bằng công nghệ nội địa đầu tiên.
Tàu hộ tống tên lửa mới có tên là Ta Chiang, được mệnh danh là "sát thủ diệt hạm" vì nó được trang bị tên lửa chống hạm cận âm Hsiung Feng II (HF-2) và tên lửa tầm trung Hsiung Feng III (HF-3).
Đáp lại thông tin này, tờ Thời báo Hoàn cầu - ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 16/12 mô tả tàu hộ tống mới của Đài Loan sẽ dễ dàng trở thành "mục tiêu cho chiến đấu cơ và trực thăng của quân đội Trung Quốc (PLA)". Hoàn cầu cho rằng trực thăng quân sự Harbin Z-9 rất thích hợp để đối phó với các "tàu nhỏ" như Ta Chiang.
Tờ báo Trung Quốc còn dẫn nhận định của chuyên gia quân sự Song Zhongping, cho rằng tàu hộ tống mới của Đài Loan là "một tàu nhỏ có hỏa lực mạnh". Dẫu vậy, nó không thể tiêu diệt được tàu sân bay của PLA.
Chuyên gia Zhongping giả định rằng lực lượng phòng vệ bờ biển của Đài Loan có thể phóng tên lửa từ các tàu hộ tống tên lửa mới nhằm vào các tàu chiến của hải quân Trung Quốc từ bên ngoài vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh. Nhưng theo ông Zhongping, Trung Quốc có thể phản công với các chiến đấu cơ trước khi tàu hộ tống tên lửa của Đài Loan kịp đặt các mục tiêu vào tầm ngắm.
Ông Zhongping đưa ra phỏng đoán này vì các tàu sân bay Trung Quốc có khả năng mang theo số lượng lớn các chiến đấu cơ. "Các tàu hộ tống tên lửa của Đài Loan không có cơ hội để tồn tại", ông Zhongping nhận định. Chuyên gia quân sự này cho rằng điểm yếu của các tàu hộ tống Đài Loan là nó có quá nhiều vũ khí để thay thế.
Các tàu hộ tống lớp Tuo Chiang được cho là có các tên lửa phòng không Tien Chien II, tên lửa chống hạm cận âm Hsiung Feng II (HF-2), tên lửa tầm trung Hsiung Feng III (HF-3), hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx (CIWS), súng máy Browning M2HB 12,7 mm và ống phóng ngư lôi Mark 32.
Tuy nhiên, điều mà Hoàn cầu không đề cập đến là chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn để xác định vị trí các tàu hộ tống của Đài Loan trước khi ngăn các tàu này phóng tên lửa. Các tàu hộ tống Đài Loan sở hữu công nghệ tàng hình tiên tiến và hệ thống radar RCS giúp tránh bị radar bên phía Trung Quốc phát hiện.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: China Military
Tờ báo Trung Quốc còn trích dẫn phân tích cho rằng tàu hộ tống của Đài Loan "không thể có hệ thống radar đủ tối tân để phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa hiệu quả".
Theo Taiwan News, các tàu hộ tống tên lửa Đài Loan được trang bị radar tìm kiếm bề mặt và radar điều khiển hỏa lực, cùng bộ tác chiến điện tử bao gồm hệ thống cảnh báo sớm và các biện pháp đối phó điện tử đối với tên lửa của đối phương.
Hoàn cầu còn dẫn tuyên bố của Hạm đội Biển đông PLA, nói rằng PLA đã sử dụng trực thăng chiến đấu Z-9 để tập trận bắn đạn thật với tên lửa diệt hạm ở Biển Đông hôm 11/12. Vũ khí của Z-9 được cho là đủ để tiêu diệt các tàu nhỏ.
Tờ báo Trung Quốc dẫn lời các nhà phân tích kết luận các tàu hộ tống của Đài Loan sẽ là "mục tiêu" lý tưởng cho Z-9. Các nhà phân tích Trung Quốc còn nói thêm, tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung Quốc đã tập trận ở khu vực Biển Đông, gần đảo Đài Loan, và các tàu này mang theo "hàng chục trực thăng", có thể được sử dụng trong một cuộc tấn công Đài Loan trong tương lai.
Theo báo chí Đài Loan, bài báo của Hoàn cầu lại bỏ qua thực tế tàu hộ tống Đài Loan được trang bị tên lửa phòng không Tien Chien II với tốc độ tối đa Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tương đương hơn 7.000 km/h), trong khi Z-9 có tốc độ tối đa là 305 km/h. Như vậy, có thể nói Z-9 mới là "mồi ngon" cho tàu hộ tống tên lửa Đài Loan, theo Taiwan News.
Ngoài ra, các tàu hộ tống Đài Loan còn có hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx, được thiết kế để vô hiệu hóa trực thăng và tên lửa diệt hạm.
Một điểm nữa là các tàu hộ tống Đài Loan có tốc độ tối đa là 43 hải lý/h, trong khi tốc độ tối đa của tàu sân bay Trung Quốc chỉ là 30 hải lý/h.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực khi cần thiết.
Quân đội Trung Quốc gần đây đưa các xe tăng chiến đấu chủ lực diễn tập tác chiến đô thị, mô phỏng địa hình Đài...
Nguồn: [Link nguồn]