Sai lầm tai họa của nhóm đặc nhiệm Anh trong cuộc chiến Iraq năm 1991
Mặc dù được coi một trong những nhiệm vụ nổi tiếng nhất của các đặc nhiệm SAS trong thời hiện đại, nhưng đây là lần hiếm hoi các đặc nhiệm trứ danh của Anh thất bại và sự kiện này từng được dựng thành phim với tựa đề Bravo Two Zero (Đột Kích Cứ Điểm Số 2) vào năm 1999.
Mảnh tên lửa đạn đạo Scud của Iraq sau khi bị hệ thống phòng không Patriot Mỹ bắn rơi.
Tháng 1 và tháng 2/1991, hàng trăm ngàn binh sĩ thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu đẩy lùi quân Iraq khỏi Kuwait trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc.
Các đặc nhiệm Delta của Mỹ và SAS của Anh có nhiệm vụ tiến sâu vào phòng tuyến Iraq trong lãnh thổ nước này, phát hiện và vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo tầm xa Scud – thứ vũ khí uy lực khi đó được Iraq tin tưởng có thể giúp thay đổi cục diện cuộc chiến.
Săn lùng tên lửa đạn đạo Scud ở sa mạc
Ngày 2/8/1990, quân đội Iraq xâm lược nước láng giềng Kuwait, tạo ra cuộc khủng hoảng khiến Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự.
Ở thời điểm đó, Iraq sở hữu đội quân lớn nhất thế giới với khoảng 1 triệu binh sĩ. Để đánh bại Iraq, Washington đã thuyết phục tất cả các nước ở Trung Đông quay lưng với Baghdad, tập hợp đội quân lên tới 750.000 người để thực hiện Chiến dịch Bão táp Sa mạc diễn ra từ ngày 17/1/1991.
Các tên lửa đạn đạo Scud của Iraq khi đó tạo ra mối đe dọa rõ rệt với liên quân do Mỹ dẫn đầu. Một quả tên lửa Scud từng rơi xuống căn cứ quân sự Mỹ ở Ả Rập Saudi khiến 28 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Để ngăn chặn mối đe dọa này, Lầu Năm Góc huy động lực lượng đặc nhiệm Delta còn đồng minh Anh dùng đến Đặc nhiệm Không quân (SAS).
Việc săn lùng các tên lửa đạn đạo Scud trong lãnh thổ Iraq là điều không hề dễ dàng. Iraq di chuyển bệ phóng tên lửa Scud cơ động vào ban đêm, khiến các vị trí khai hỏa không thể đoán trước. Các xe phóng Scud được ngụy trang kỹ lưỡng trong sa mạc, khiến các máy bay của quân liên minh rất khó phát hiện từ xa.
Scud là mẫu tên lửa đạn đạo đáng gờm Iraq sử dụng trong cuộc chiến năm 1991.
Các đặc nhiệm Delta và SAS đổ bộ từ trực thăng, đơn độc xâm nhập vào lãnh thổ Iraq, thực hiện nhiệm vụ trinh sát và phát hiện các bệ phóng tên lửa Scud.
Trong một nhiệm vụ như vậy, nhóm 8 đặc nhiệm SAS thuộc đội tuần tra Bravo Two Zero đã mắc sai lầm tai hại dẫn đến hậu quả vô cùng lớn.
Sai lầm nghiêm trọng
Đêm ngày 22 và rạng sáng ngày 23/1/1991, 8 đặc nhiệm SAS đổ bộ xuống lãnh thổ Iraq bằng trực thăng Chinook. Khác với các nhóm đặc nhiệm khác sử dụng xe Land Rover 110, các thành viên đội Bravo Two Zero quyết định đi bộ trên sa mạc.
Theo lời kể của trung sĩ Steven Billy Mitchell, bí danh Andy McNab, chỉ huy đội tuần tra, cả nhóm đi bộ 2km trong ngày đầu tiên, lập một trạm trinh sát vào ban đêm tại một địa điểm ấn định trước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đặc nhiệm gặp vấn đề liên lạc do thiết bị radio không hoạt động.
Các đặc nhiệm Mỹ và Anh hoạt động bí mật ở sa mạc Iraq bằng xe chuyên dụng.
Chiều ngày 24/1, nhóm đặc nhiệm bị một người chăn cừu Iraq nhìn thấy. Nghĩ rằng bị bại lộ, cả nhóm bỏ bớt quân trang và tìm cách rời lãnh thổ Iraq.
Đúng lúc này, các đặc nhiệm SAS nghe thấy tiếng động tưởng như xe tăng, nhưng thực ra là một xe ủi đất. Người lái xe ủi đất cài số lùi ngay khi nhìn thấy các đặc nhiệm Anh.
Không lâu sau, quân đội Iraq đã mở cuộc truy lùng quy mô lớn, dẫn đến cuộc chạm trán giữa nhóm đặc nhiệm SAS và binh sĩ Iraq di chuyển trên xe bọc thép.
Theo quy trình khẩn cấp, các đặc nhiệm phải quay về điểm xuất phát để chờ trực thăng quân sự hạ cánh giải cứu sau mỗi 24 giờ. Các đặc nhiệm SAS rất cố gắng lẩn trốn sự truy đuổi của đối phương để tới địa điểm này.
Nhưng trực thăng giải cứu không bao giờ xuất hiện. Trung tâm chỉ huy quân sự của đặc nhiệm SAS sau này giải thích rằng phi công lái trực thăng khi đó bị ốm nên đã không thực hiện chuyến bay tuần tra. Do thông tin liên lạc bị gián đoạn nên sở chỉ huy cũng không biết tình cảnh của nhóm đặc nhiệm.
Rạng sáng ngày 25/1, trong khi McNab cố gắng liên lạc với máy bay của liên quân, đội đặc nhiệm bị chia thành hai nhóm. Một nhóm 3 người gồm các thành viên Graham MacGown, David Phillips và Colin Armstrong (bí danh Chris Ryan) đi bộ trong đêm hướng về phía bắc nhằm tới biên giới Syria.
Nhiệm vụ thất bại của nhóm đặc nhiệm SAS được dựng thành phim vào năm 1999.
Những ngày sau đó là giai đoạn tồi tệ với các đặc nhiệm SAS. Trong nhóm đầu tiên, Phillips qua đời vì hạ thân nhiệt. MacGown trong lúc cố gắng cướp một chiếc xe Toyota Landcruiser, đã bị các binh sĩ Iraq bắt sống và chỉ còn Ryan tiếp tục hành trình.
Nhóm còn lại do chỉ huy McNab dẫn đầu do không liên lạc được để cầu cứu nên sau đó cũng đi bộ theo hướng khác nhằm tới Syria. 5 người đánh cắp một chiếc taxi, lái đến một trạm kiểm soát của quân đội Iraq và sau đó cả nhóm tiếp tục đi bộ.
Sáng ngày 27/1, nhóm của McNab chạm trán với người dân địa phương và cảnh sát. Thành viên Gaspare Consiglio bị bắn chết còn đồng đội John Lane chết vì hạ thân nhiệt khi cố gắng bơi qua sông Euphrates. 3 người còn lại gồm chỉ huy McNab bị quân đội Iraq bắt sống.
Ryan là người duy nhất đào thoát sang Syria an toàn, lập nên lịch sử khi là đặc nhiệm SAS thực hiện “hành trình tẩu thoát bằng đường bộ dài nhất trong lịch sử đơn vị với quãng đường 290km.
Người duy nhất trốn thoát nói gì?
Năm 2021, báo Anh Forces.net có cuộc phỏng vấn cựu đặc nhiệm Chris Ryan tại nghĩa trang nhà thờ St. Martin ở Hereford, nơi các thành viên SAS an nghỉ.
“Chúng tôi đổ bộ khi nắm trong tay rất ít thông tin về địa hình, thời tiết. Bản đồ tôi mang theo có từ năm 1944”, Ryan nói. “Tôi còn nhớ mình lên trực thăng và đột nhiên nói với đồng đội rằng, đây giống như chuyến bay một chiều”.
Ryan thừa nhận rằng cả nhóm gặp nhiều vấn đề ngay sau khi đổ bộ nhưng không dám hủy nhiệm vụ mà vẫn cố gắng thực hiện, dẫn tới mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Quân đội Iraq truy đuổi không phải mối đe dọa lớn nhất. Vấn đề là nhiệt độ lạnh giá vào ban đêm và thời tiết khô nóng của sa mạc vào ban ngày”, Ryan nói.
Chris Ryan là thành viên nhóm đặc nhiệm SAS duy nhất trốn thoát khỏi Iraq, đi bộ sang biên giới Syria.
“Tôi là người cuối cùng ở cạnh Phillips, anh ấy chết vì hạ thân nhiệt. Tôi đã rất cố gắng động viên để anh ấy đi tiếp nhưng cuối cùng Phillips đãvĩnh viễn nằm lại”, Ryan chia sẻ. “Đây thực sự là thảm họa”.
Ryan nói ông mất 7 ngày để tới được Syria. 7 ngày đó là giai đoạn đầy khó khăn khi gần như ông không tìm được thức ăn. 3 ngày cuối thậm chí còn không có nước uống.
“Có lúc tôi phải uống nước thải từ một nhà máy hóa chất và nó khiến tôi bị bỏng miệng”, Ryan nói. “Mỗi ngày tôi đi bộ được khoảng 40km, liên tục trong 7 ngày”.
“Tôi kiệt sức đến mức bị ảo giác, nhìn thấy hình ảnh con gái, giống như đang được nắm tay con gái và con bé nói chuyện với tôi”, Ryan nói thêm.
Hành trình phi thường và nỗ lực không bỏ cuộc giúp Ryan tới được thị trấn Abu Kamal ở biên giới Syria – Iraq. “Tôi sụt mất 17kg, cơ thể suy nhược nghiêm trọng, suốt một thời gian dài chỉ có thể nằm liệt giường”, Ryan nhớ lại.
Chính phủ Syria khi đó bàn giao Ryan cho Đại sứ quán Anh ở Damascus và cuối cùng ông được đưa về nước. 7 đồng đội khác của Ryan, 3 người bỏ mạng và 4 người bị bắt sống, sau này được trả tự do.
30 năm sau, Ryan nói ông không ân hận về những gì đã xảy ra. “Đó là chiến tranh. Có nhiều thứ không thể đoán định. Đúng là chúng tôi mắc sai lầm nhưng nhờ vậy mà lực lượng đặc nhiệm đã rút ra thêm kinh nghiệm”, Ryan nói. “Không còn thành viên nào bị lạc và phải đi lang thang trong suốt 7 ngày trên sa mạc như tôi nữa”.
Cuối cùng, Ryan nói khi một thành viên đặc nhiệm phạm sai lầm, cái giá phải trả thường sẽ lớn hơn rất nhiều so với các binh sĩ khác.
Cách đây hơn 40 năm, Anh và Argentina xảy ra xung đột quân sự nhằm quyết định quyền kiểm soát quần đảo Falkland ở Nam Thái Bình Dương. Một trong những thành công cốt lõi của...
Nguồn: [Link nguồn]