Sai lầm tai hại khiến quân đội cực mạnh của Hitler bị đánh bại
Các chuyên gia về lịch sử Thế chiến II đã tập trung bàn nhiều về chiến lược và chiến thuật, nhưng chìa khóa dẫn đến việc quân đội Đức quốc xã bại trận có thể lại là một yếu tố khác. Yếu tố này được làm rõ trong bài phân tích của tác giả James Holland đăng trên tạp chí National Interest.
súng máy MG42 của Đức. Ảnh: Medium
Dưới đây là toàn bộ nội dung bài phân tích.
Chủ đề về Thế chiến II vẫn duy trì được sức hấp dẫn của nó cho tới tận ngày nay. Dù đã có số lượng lớn phim, phim tài liệu, sách và thậm chí cả truyện về chủ đề này nhưng hiểu biết của chúng ta về Thế chiến II sau 8 thập kỷ vẫn chưa thấu đáo do cách giải thích sai lệch về các thông tin có sẵn.
Trong cuốn sách mới của tôi có tựa đề: Cuộc chiến ở phương Tây: Đức lên ngôi 1939-1941 (The War in the West: Germany Ascendant 1939-1941), tôi đã thách thức một số giả định tồn tại từ lâu về Thế chiến II, nhiều trong số này căn cứ vào kiến thức cơ bản hơn là thông qua nghiên cứu chuyên sâu.
Vài năm trước, khoảnh khắc quan trọng khiến tôi thay đổi thái độ đã xuất hiện khi tôi được đưa đi tham quan Đơn vị vũ khí hạng nhẹ (Small Arms Unit) tại Đại học British Staff ở vùng Shrivenham, Anh.
Tôi không thể rời mắt ngắm nhìn khẩu súng máy MG42 của Đức (quân Đồng minh còn gọi là Spandau). "Dĩ nhiên, đây là khẩu súng máy tốt nhất trong Thế chiến II", tôi đưa ra bình luận dựa trên những gì mình đọc được trong nhiều cuốn sách.
"Anh nói gì cơ? Cái gì là nhất?", John Starling, người đứng đầu đơn vị Vũ khí hạng nhẹ kiêm hướng dẫn viên chuyến tham quan, hỏi vặn lại tôi. Trong vài phút, John liên tục giải mã mọi thứ mà tôi nghĩ mình biết về thứ vũ khí khét tiếng này: Tốc độ bắn khủng khiếp của nó dẫn đến một vấn đề lớn đó là súng nhanh bị nóng; không có độ chính xác cao; chi phí lớn để sản xuất, nhiều bộ phận thừa nhưng lại thiếu các chi tiết đơn giản để súng được sử dụng dễ dàng hơn; những người mang theo vũ khí này không chỉ phải mang theo số lượng lớn đạn để thỏa mãn "cơn đói của con quái thú", mà họ còn phải đem theo 6 nòng súng dự phòng để sẵn sàng thay thế khi súng quá nóng... "Đó là tất cả lý do biến vũ khí này gây mất thời gian trong cuộc chiến tổng lực", John kết luận.
Khẩu súng máy MG42 của Đức được cho là cồng kềnh, có nhiều chi tiết thừa. Ảnh: Wikipedia
Tôi đã bị cuốn hút bởi cách giải thích của John và cuộc tham quan khiến tôi có một nghiên cứu hoàn toàn mới nhưng không kém phần thú vị.
Tôi nhận thấy một điều, gần như mọi thứ người Đức chế tạo trong chiến tranh đều có chi tiết thừa thãi so với mục đích sử dụng của chúng, từ xe tăng, hộp đựng mặt nạ phòng độc cho tới áo chiến đấu của lính cấp thấp.
Tại kho lưu trữ của quân đội Đức ở thành phố Freiburg, tôi tìm thấy một bản ghi từ đầu tháng 12/1941, được ký bởi Hitler. Trong đó, một dòng chữ xuất hiện: "Kể từ bây giờ, chúng ta phải dừng sản xuất các vũ khí phức tạp và thừa thãi như vậy". Nói cách khác, ở thời điểm đó, họ đã có ý thức về việc này.
Không cần phải bàn cãi, hướng dẫn này của Hitler không được tuân thủ. Những chiếc hộp đựng mặt nạ phòng độc bằng kim loại, thiết kế cồng kềnh và gần như vô nghĩa, được sản xuất cuối Thế chiến II. Những chiếc xe tăng Panther cũng được thiết kế quá phức tạp và hoàn toàn không phù hợp với những người chiến đấu tại tuyến đầu, hầu hết là lính trẻ, non kinh nghiệm.
Nghiên cứu những thứ chi tiết này là việc tôi làm để xem xét mức độ hoạt động của cuộc chiến. Bất cứ cuộc xung đột nào đều được thực hiện theo 3 cấp độ. Thứ nhất là cấp độ chiến lược (kế hoạch), bao gồm mục tiêu và tham vọng tổng thể. Thứ hai là cấp độ chiến thuật (hành động), liên quan tới việc điều khiển binh lính trực tiếp tham gia vào cuộc chiến. Và cuối cùng là cấp độ hoạt động, liên quan tới hậu cần, kinh tế và nguồn cung cấp để duy trì cuộc chiến.
Gần như mọi câu chuyện lịch sử về Thế chiến II đều tập trung vào cấp độ chiến lược và chiến thuật mà quên đi tầm quan trọng của cấp độ hoạt động. Kết quả là một sự hiểu sai về tính chất các sự kiện mà biểu hiện là việc các loại súng máy của Đức và xe tăng cồng kềnh luôn được nhắc tới.
Nghiên cứu về cấp độ hoạt động cho thấy một khía cạnh khá thú vị. Nó không chỉ là sự tinh tế của chiến thuật mà còn hơn thế nữa. Ví dụ, Anh quyết định chiến đấu trong cuộc chiến cơ học và công nghệ cao. "Sắt thép đổi lấy xác thịt" là câu thần chú khi đó và đây cũng là lý do người Anh dù chỉ có một lực lượng quân đội nhỏ nhưng được cơ giới hóa tới 100%.
Quân đội Anh cũng phát triển một lực lượng không quân lớn mạnh và chế tạo 132.500 chiến đấu cơ trong Thế chiến II, nhiều hơn người Đức 50.000 chiếc. Mãi tới đầu năm 1944, ưu tiên về nhân lực của Anh không dành cho quân đội, hải quân hay không quân mà là cho cơ quan sản xuất máy bay. Lao động có đào tạo, cả nam và nữ, đều được giữ lại trong các nhà máy.
Adolf Hitler (thứ 2 từ phải sang) cùng các tướng lĩnh Đức quốc xã năm 1933. Ảnh: Getty
Trong khi đó, Đức cũng có cơ giới hóa nhưng quân đội lại quá lớn. Việc nhiều người đàn ông Đức phải nhập ngũ khiến lực lượng lao động chính trong các nhà máy chỉ còn là tù binh và nô lệ, những người bị đối xử tàn tệ. Vì vậy, năng lực sản xuất của Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Và nếu khả năng cung cấp để duy trì cuộc chiến là then chốt thì Trận chiến Đại Tây Dương là trận đánh quyết định. Tuy quân đội của Hitler đã xây dựng một hạm đội chiến đấu trên mặt nước trước Thế chiến II nhưng lực lượng này không sánh được với Anh và Pháp. Ngoài ra, việc chú trọng xây dựng hạm đội chiến đấu mặt nước cũng khiến Đức bỏ bê các tàu ngầm U-boat.
Dù đã đánh chìm một lượng đáng kể tàu chở nguồn hỗ trợ cho Anh năm 1940, Đức vẫn không thể khiến Anh chùn bước. Thực tế, số tàu ngầm U-boat của Đức không thể cản hết những tàu chở hàng cung cấp cho Anh từ Mỹ. Năm 1940, quân đội Hitler chỉ đánh đắm 127 tàu trong tổng số 18.772 tàu chở hàng hỗ trợ cho Anh.
Trong khi Anh nhận được sự hỗ trợ lớn, Đức lại thiếu nguồn lực và chi tiêu hoang phí. Ngoài ra, sự trỗi dậy của các vùng lãnh thổ bị phát xít Đức chiếm đóng cũng gây khó khăn cho Hitler. Thất bại là điều được báo trước.
Nguồn: [Link nguồn]
Đức tuyên chiến với Mỹ dẫn tới việc Washington tham chiến và gia nhập phe Đồng Minh trong Thế chiến II. Nhiều học giả...