Sai lầm khiến Mỹ càng đánh IS càng mạnh (kỳ 2)
Chiến thuật Mỹ từng thành công với al Qaeda nay không có tác dụng gì với IS. Ngược lại, IS lôi kéo được hàng nghìn người ngay trong lòng các nước phương Tây tham gia thánh chiến. Vì sao?
Tổng thống Mỹ từng tuyên bố IS “đơn giản chỉ là một tổ chức khủng bố”. Nhưng sự phát triển của IS theo nhiều phương diện, bất chấp bị liên quân do Mỹ dẫn đầu tiêu tốn gần 9,7 triệu USD mỗi ngày để vùi dập, cho thấy IS không hề đơn giản như như ông Obama nghĩ. Theo Audrey Kurth Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Đại học George Mason, Mỹ đã rất sai lầm khi đánh giá IS. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông. |
Chiến thuật với al Qaeda vô tác dụng với IS
Rõ ràng nguồn gốc và mục tiêu giữa IS và al Qaeda là khác nhau nên chúng hoạt động cũng theo 2 hướng hoàn toàn khác biệt. Đó là lý do mà chiến dịch chống khủng bố của Mỹ và Liên quân từng áp dụng hiệu quả với al Qaeda nay "vô tích sự" với IS.
Trong chiến lược chống khủng bố của Mỹ trên khắp thế giới, việc săn lùng các mục tiêu có giá trị cao, đặc biệt là các chỉ huy khủng bố là chiến thuật được quân đội Mỹ thường xuyên áp dụng. Chiến thuật "chặt đầu rắn" này đã từng rất thành công với mạng lưới khủng bố al Qaeda. Theo ước tính, có 75% số lượng lãnh đạo cốt cán của al Qaeda bị tiêu diệt bởi các cuộc đột kích và các máy bay ném bom không người lái.
Các cuộc không kích của quân đội Mỹ đang không thể chặt được những cái đầu của "con rắn" IS.
Tuy nhiên đối với IS, cũng chiến thuật ấy lại không đem lại hiệu quả bởi "người ta không thể chặt đầu rắn khi không tìm thấy đầu". Các thủ lĩnh của IS thay vì trốn chui lủi ở các khu vực nông thôn hẻo lánh như al Qaeda thì lại sống ở giữa đô thị, trà trộn vào khu vực dân thường đông đúc. Điều này gây khó khăn cho các cuộc ném bom của máy bay không người lái và công tác thu thập thông tin tình báo của quân đội Mỹ.
Ngoài ra, việc giết chết các lãnh đạo IS lại không làm tê liệt tổ chức thánh chiến này bởi chúng là một tổ chức có cơ cấu phức tạp. Ngoài lãnh đạo tối cao là Baghdadi, IS còn 2 "tiểu vương" khác là Abu Ali al-Anbari và Abu Al Turkmani trực tiếp điều hành các hoạt động của IS ở Syria và Iraq.
Bên cạnh đó tổ chức này còn có Hội đồng quản lý dân sự bao gồm 12 thành viên làm nhiệm vụ cai trị các vùng lãnh thổ đã chiếm được tại Iraq và Syria. Bởi vậy, theo tờ Foreign Affair đánh giá, "con rắn" IS có lẽ sẽ vẫn sống tốt kể cả khi bị chặt mất "đầu" là thủ lĩnh Baghdadi.
Cướp bóc, bán dầu, bắt cóc con tin... đang là những cách làm giàu khó bị ngăn chặn của IS.
IS cũng mở ra các mặt trận khó khăn khác so với thời chống al Qaeda của Mỹ là tài chính, truyền thông, và tuyển dụng. Cắt nguồn kinh phí của al Qaeda là một trong những thành công ấn tượng nhất của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong năm 2004, Bộ Tài chính Mỹ đã thành lập Văn phòng tình báo tài chính chống khủng bố giúp chặn đứng nhiều hoạt động rửa tiền và nhận tiền của al Qaeda thông qua các hình thức từ thiện.
Ngoài ra một mạng lưới chống tài trợ khủng bố khác do Liên Hiệp Quốc, EU, và chính phủ các nước cùng hợp tác cũng siết chặt nguồn thu tài chính của al-Qaeda. Năm 2011, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra báo cáo kết luận, al Qaeda đang phải "vật lộn để đảm bảo nguồn tài chính".
Trong khi đó, cắt đứt nguồn tiền của IS lại không phải là chuyện dễ. Ông Matthew Levitt, cựu quan chức chống khủng bố kiêm tình báo tài chính của Bộ Tài chính Mỹ, cho hay: "Rút kinh nghiệm từ tổ chức tiền thân như Al-Qaeda, IS không dính líu tới hệ thống tài chính quốc tế và vì thế, tổ chức này không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hay các luật chống rửa tiền và các quy định của ngân hàng".
Tính đến năm 2015, IS vẫn được coi là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới. Nhờ chiếm được lãnh thổ mà IS kiểm soát được các mỏ dầu lớn ở Syria và Iraq. Theo báo cáo của Nga, các phần tử thánh chiến đã thu được ước tính 1-3 triệu USD/ngày nhờ bán dầu mỏ thông qua các nhà trung gian tư nhân, những người điều hành một đội xe tải trên các tuyến buôn lậu.
Nguồn thu lớn thứ hai của nhóm phiến quân là tiền chuộc các con tin. Theo ước tính của Bloomberg, IS kiếm được khoảng 35-45 triệu USD trong năm 2014 từ những món tiền trả cho con tin. Chính phủ nhiều nước đã nhượng bộ và trả tiền chuộc nhưng một số nước như: Mỹ, Anh, Nhật Bản đã từ chối và kết cục là IS sát hại các con tin.
Nguồn thu đáng kể nữa của IS là bán các cổ vật chúng tìm được trên lãnh thổ chiếm giữ trái phép. Một quan chức tình báo nói với Guardian rằng, IS kiếm được 36 triệu USD từ al-Nabuk, một khu vực đồi núi phía tây Damad, Syria gồm có các cổ vật có niên đại lên đến 8000 năm tuổi.
Chuyên gia phân tích Aymenn Jawad Al-Tamimi của Diễn đàn Trung Đông nhận định: "Thật khó phá vỡ tài chính của một tổ chức không tích hợp với thế giới bên ngoài. Không có tài sản đáng kể của IS trong các ngân hàng nước ngoài để đóng băng. Có rất ít giao dịch thương mại của IS với nước ngoài để cắt đứt. Rõ ràng IS không phụ thuộc các nguồn tài trợ nước ngoài".
Sự nguy hiểm "chết người" của IS
Sự khác biệt lớn nhất và lý do tại sao IS sẽ trở thành mối đe dọa chết chóc nhất mà thế giới từng phải chứng kiến trong thời gian gần đây là việc tổ chức này tuyển mộ được hàng nghìn thành viên đến từ nhiều nơi trên thế giới tới gia nhập.
Theo ước tính của Cơ quan tình báo Mỹ (CIA), có khoảng 15.000 binh lính nước ngoài đến từ hơn 80 quốc gia đã đổ xô đến Iraq để gia nhập IS với tỉ lệ 1.000 người mỗi tháng. Đa số tân binh đều đến từ các quốc gia Hồi giáo như Tunisia, Ả Rập Saudi nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ đến từ các quốc gia phát triển như Australia, Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước Tây Âu.
Khả năng này cho thấy IS hoàn toàn có nguồn cung nhân lực dồi dào mà không hề phụ thuộc vào những người bản xứ. Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã có những sức hấp dẫn đặc biệt, vượt xa lời hiệu triệu thánh chiến mà al Qaeda từng phát động.
Mỗi tháng có cả nghìn người khắp nơi trên thế giới gia nhập IS.
Trong khi Bin Laden hay các thủ lĩnh khác của al Qaeda thường xuất hiện trong hình ảnh những chiến binh khổ hạnh, ngồi trong các hang động hay ẩn náu ở những nơi hẻo hánh thì việc các chiến binh IS thoải mái khoe siêu xe, cuộc sống hưởng lạc trên mạng xã hội lại khiến hình ảnh về một chiến binh thánh chiến trở nên "hấp dẫn" hơn đối với thế hệ trẻ tuổi.
Chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan quốc tế thuộc Trường London’s Kings, ông Shiraz Maher nhận định IS thường tập trung vào tâm lý háo thắng, đam mê những thú chơi khác người của thanh thiếu niên phương Tây.
Hình ảnh các thanh niên đứng trên những chiếc xe tăng đầy oai vệ, vác trên vai khẩu AK-47 dễ kích thích vào tâm lý ở độ tuổi chưa trưởng thành, ham thích trải nghiệm giật gân hoặc quá chán ngán với cuộc sống thực tại. Trong bối cảnh đó, IS tạo ra môi trường vinh danh ảo - tạo cho thanh thiếu niên tin rằng IS là một giải pháp cho những thành công vang dội hoặc mở ra một cuộc sống trải nghiệm mới đầy lý thú như trong những bộ phim trung cổ.
Một khía cạnh đặc biệt nguy hiểm khác nữa của IS là tuy không theo đuổi các vụ tấn công lớn như cách mà a-Qaeda từng làm, nhưng khả năng thu hút nhiều tín đồ ở khắp nơi trên thế giới đồng nghĩa với việc IS có thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố tại bất kỳ đâu.
Nếu như Al-Qaeda phải tốn hàng triệu USD để có cuộc khủng bố ngày 11.9.2001 thì IS có thể sẽ không mất một đồng nào để tạo ra một "quả bom người" ngay trên đất Mỹ bằng những công dân đã bị "tẩy não". CIA đã gọi những phần tử khủng bố lẩn khuất này là "những con sói đơn độc". Đây là dạng khủng bố khó phát hiện và đề phòng hơn rất nhiều so với các biện pháp khủng bố lên kế hoạch truyền thống.
Nhiều nước phương Tây lo lắng trước mối đe dọa khủng bố từ "những con sói đơn độc".
Nói tóm lại, không giống như al-Qaeda, IS có thể tận dụng những phương tiện truyền thông mới để thu hút và tuyển mộ các chiến binh. Chúng cũng sẽ không cần phải lén lút đưa các thành viên vào hầu hết các nước để tiến hành các vụ tấn công như al Qaeda mà đã có sẵn những phần tử ủng hộ "nằm vùng" chờ thời cơ hành động. Những kẻ này có thể thực hiện những vụ tấn công chi phí thấp nhưng có tác động cực mạnh như vụ tấn công ở Paris trong đêm 13.11.2015.
___________
Hết