Sai lầm chết người dẫn đến "ngày đen tối nhất lịch sử marathon TQ”
Dư luận Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ vì ban tổ chức không lường trước tình hình thời tiết, cũng như không có kế hoạch ứng phó trong tình huống khẩn cấp, dẫn đến thảm kịch "ngày đen tối nhất lịch sử marathon Trung Quốc”.
Đội cứu hộ mất nhiều thời gian để tìm kiếm những người sống sót.
Sự kiện chạy việt dã 100km đường núi ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày 22.5 đã biến thành thảm kịch khi có 21 vận động viên tử vong, bao gồm cả những vận động viên hàng đầu.
Trong số 172 người tham dự, lực lượng cứu hộ tìm thấy 151 người, trong đó 8 người phải nhập viện trong tình trạng ổn định, 21 người tử vong, theo Nhân dân Nhật báo.
Thị trưởng thành phố Bạch Ngân, Zhang Xuchen đã gửi lời xin lỗi, nói rằng đây là “sự cố khách quan do thời tiết thay đổi đột ngột”. Ông Zhang xác nhận chính quyền tỉnh Cam Túc đã vào cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.
Sự việc được coi là bài học để các địa phương tổ chức giải chạy việt dã trong tương lai phải chú ý hơn đến vấn đề an toàn.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, cuộc đua marathon vượt núi trên địa bàn thành phố Bạch Ngân đã diễn ra 3 lần trong quá khứ. Nhiều câu hỏi liên quan đã được đặt ra.
Tại sao chính quyền địa phương không thể dự báo chính xác thời tiết? Tại sao thiếu các phương án cứu hộ, ứng phó khẩn cấp? Nếu sớm hủy bỏ sự kiện, liệu thảm kịch có được ngăn chặn?
Sự chủ quan trong việc dự báo thời tiết
Hiện tượng thời tiết cực đoan không lường trước, bao gồm gió mạnh và mưa băng giá khiến nhiệt độ rơi xuống mức đóng băng, được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm kịch.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn nguồn tin từ các nhân viên cứu hộ cho biết, nhiệt độ thấp là mối đe dọa lớn nhất bởi các vận động viên chỉ mặc trang phục mỏng, trong khi nhiệt độ có lúc giảm xuống mức 0 độ C.
Một người sống sót kể lại trải nghiệm kinh hoàng: “Buổi sáng trời vẫn còn nắng ấm. Tôi cảm thấy rõ điều đó khi ở vạch xuất phát. Nhưng vài giờ sau, thời tiết thay đổi hoàn toàn”.
Lúc 10 giờ 30 phút sáng, 90 phút sau khi cuộc chạy marathon bắt đầu, mưa ngày càng nặng hạt. “Gió cuốn theo những hạt mưa tạt vào mặt khiến tôi cảm thấy rất đau. Tôi không thể mở mắt vì gió mạnh”, vận động viên tên Liuluo Nanfang nói.
Đội cứu hộ phải leo núi đến nơi các vận động viên gặp nạn.
Hơn 700 nhân viên cứu hộ đã tham gia tìm kiếm các vận động viên. Một trung tâm cứu hộ đã được thiết lập, theo Tân Hoa Xã. Nhưng công tác tìm kiếm các vận động viên gặp nhiều khó khăn vì địa hình đồi núi cao 2.000 mét so với mực nước biển và thông tin liên lạc hạn chế.
Zhang Mingying, một chuyên gia dự báo thời tiết đến từ Cục khí tượng Bắc Kinh, nói cơ quan đã liên tục đưa ra những thông báo về tình hình thời tiết, bao gồm mưa bất chợt, sấm chớp và gió mạnh ở khu vực diễn ra cuộc chạy marathon.
“Đến sáng ngày 22.5, chúng tôi cũng gửi cảnh báo về khả năng nhiệt độ bất ngờ giảm sâu”, Zhang nói. “Vấn đề dự báo thời tiết cụ thể ở một khu vực vùng núi nhất định là trách nhiệm của các trạm dự báo thời tiết cấp địa phương”.
Các nhà tổ chức giải chạy ở tỉnh Cam Túc đã không cung cấp thông tin chính xác về diễn biến thời tiết thay đổi ra sao trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, theo Hoàn Cầu.
Sai sót từ ban tổ chức
“Ngoài sự thay đổi của thời tiết, ban tổ chức cũng nên xem xét liệu các thí sinh đến từ những nơi có độ cao thấp có thể thích nghi với cuộc chạy marathon được tổ chức ở độ cao hơn 2.000 mét hay không”, Chen Penbin, vận động viên chạy việt dã hàng đầu Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu. “Sự an toàn của các vận động viên là điều ban tổ chức phải đặt lên hàng đầu”.
Bên cạnh đó, vấn đề cứu hộ cũng chưa được ban tổ chức quan tâm đúng mực. “Khi thiết kế giải chạy marathon, nếu một vận động viên cần sự trợ giúp của các nhân viên cứu hộ, có cách nào tiếp cận một cách nhanh chóng hay không?”
Theo lời kể của vận động viên, phần khó nhất trong cuộc chạy marathon lần này là khu vực nằm giữa chốt kiểm soát thứ 2 và thứ 3. Đây là đoạn đường dài 8km, leo núi cao 1.000 mét, nhiều đoạn dốc đòi hỏi các vận động viên phải dùng tay và đầu gối để leo trèo.
“Ban tổ chức không hề cung cấp sự hỗ trợ ở khu vực này. Người tham gia một khi đã leo lên giữa chừng không thể dừng lại, thậm chí muốn rời khỏi giải chạy cũng không được”, Liuluo Nanfang nói.
Đa số các vận động viên đều tử vong ở khu vực này. Một số người bị hạ thân nhiệt trên đường chạy.
Một vận động viên marathon giàu kinh nghiệm khác, là bạn của nhiều nạn nhân tử vong, nói thời tiết khắc nghiệt không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch mà mấu chốt là ban tổ chức đã không chuẩn bị kỹ lưỡng, tính đến sự an toàn của những người tham gia, theo Hoàn Cầu.
Nguồn: [Link nguồn]
Vụ việc mới xảy ra được xem là một trong những thảm kịch chết chóc nhất trong lịch sử các cuộc thi marathon ở Trung...