Ruth Kuehn – Nữ điệp viên da trắng đầu tiên của Nhật Bản
Quần đảo Hawaii không chỉ là một trong những nơi đẹp nhất thế giới. Tại đây, ngày 7/12/1941, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã gần như bị máy bay Nhật tiêu diệt hoàn toàn. Những gì xảy ra vào ngày hôm đó đã được báo chí viết nhiều, ở đây chúng tôi chỉ muốn nhắc đến một nữ tình báo Đức và Nhật Bản đã góp phần quan trọng vào thành công của lực lượng không quân Nhật Bản.
Ruth Kuehn, cô gái 18 tuổi, em gái một phụ tá của tiến sĩ Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã, là tình nhân của Goebbels. Magda, phu nhân Bộ trưởng, phát hiện ra mối quan hệ này. Thường khoan dung với những cuộc phiêu lưu tình ái của người chồng đa tình, lần này bà yêu cầu ông tống cổ cô nhân tình đi thật xa, “thậm chí đến quần đảo Hawaii”. Bộ trưởng nghe lời vợ và ra những chỉ thị cần thiết.
Tiến sĩ Karl Haushofer, người làm việc trong bộ phận tình báo của Bộ Ngoại giao và có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản, được Goebbels giao nhiệm vụ này.
Nữ điệp viên Ruth Kuehn.
Trong những năm trước chiến tranh, tình báo Nhật Bản rất cần các điệp viên “da trắng” để có thể thâm nhập vào những quốc gia, nơi người có ngoại hình phương Đông rất hay bị nghi ngờ.
Ít lâu sau, Karl Haushofer báo cáo với Goebbels rằng ông ta đã thu xếp cho Ruth Kuehn và cả gia đình cô đến quần đảo Hawaii. Trước khi ra đi, các thành viên gia đình tham gia một khóa huấn luyện tình báo.
Bố dượng của Ruth, bác sĩ Bernard Julius Otto Kuehn từng là thủy thủ phục vụ trên một tuần dương hạm trong Thế chiến thứ nhất. Sau chiến tranh, ông học ngành y và trở thành một phần tử quốc xã cuồng nhiệt. Ông đã nuôi dạy con gái mình theo tinh thần Đức Quốc xã. Là bạn thân của Himmler, bác sĩ Kuehn hy vọng sẽ có được chức vụ cảnh sát trưởng tại một trong những thành phố của Đức, nhưng thay vào đó, vì sắc đẹp và tính bồng bột của con gái, ông buộc phải lưu đày tới Hawaii.
Ngày 15/8/1935, gia đình Kuehn đến Honolulu, họ gồm bác sĩ Kuehn, vợ ông, bà Friedel, cô con gái từ cuộc hôn nhân đầu tiên Ruth và cậu con trai sáu tuổi Hans Joachim. Chỉ có Leopold, con trai cả của Friedel, ở lại với Joseph Goebbels.
Lý do chính thức khiến gia đình Kuehn xuất hiện ở Hawaii là ông chủ gia đình muốn học tiếng Nhật, còn cô con gái Ruth mơ ước được nghiên cứu lịch sử của quần đảo Hawaii. Hai bố con đã đi thăm các hòn đảo lớn - Oahu, Hawaii, Molokai, Maui, Kauai và nhiều đảo nhỏ, với sự cẩn thận và tỉ mỉ của người Đức, họ ghi chép và đánh dấu trên bản đồ tất cả những gì quan tâm. Chẳng bao lâu, họ trở thành những chuyên gia giỏi nhất về địa hình Hawaii thời bấy giờ.
Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Joseph Goebbels.
Cả gia đình phục vụ cùng lúc hai nước đồng minh là Nhật và Đức. Ngoài nghĩa vụ đối với tổ quốc, họ còn có những toan tính về thương mại và nhận tiền từ hai nguồn cùng một lúc. Khi được bạn bè hỏi về quan điểm chính trị, vợ chồng Kuehn luôn nhấn mạnh rằng họ không thích Đức Quốc xã, còn Ruth nói: “Tôi vẫn còn quá trẻ khi rời nước Đức!”.
Bác sĩ viết bài về những người dân cổ xưa trên quần đảo cho các tờ báo địa phương. Cuộc sống cứ thế trôi qua một cách bình lặng. Gia đình Kuehn có một ngôi nhà đẹp, một bộ sưu tập nghệ thuật, một bộ đồ ăn bằng bạc - mọi thứ đều chứng tỏ sự giàu có và văn hóa của gia đình. Hàng xóm và người quen coi họ là những người giàu có: họ thường xuyên có thu nhập từ tài sản của mình ở Hà Lan và Đức. Trong ba năm đầu tiên lưu trú trên quần đảo, họ đã nhận được bảy mươi nghìn đô la, được Ngân hàng Rotterdam chuyển qua Ngân hàng Honolulu. Sau này, FBI và tình báo quân đội xác định gia đình Kuehn còn nhận được hơn một trăm nghìn USD. Nhưng không ai chú ý đến những khoản thu nhập này.
Người mẹ đáng kính của gia đình, bà Friedel, làm nhiệm vụ liên lạc. Bà đã nhiều lần mang báo cáo đến Tokyo. Trong một chuyến đi như vậy, bà mang về mười sáu nghìn đô la tiền mặt.
Đầu năm 1939, ông Kuehn tuyên bố rằng ông cần một nơi yên tĩnh hơn để học ngoại ngữ. Gia đình bán nhà và chuyển đến Trân Châu Cảng, gần nơi neo đậu chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
Tại đây Ruth đã mở một tiệm làm đẹp và rất được vợ của các sĩ quan hải quân Mỹ ưa chuộng. Gặp nhau tại tiệm, như thể trong câu lạc bộ, các bà vợ say sưa trao đổi tin tức - về những nhân vật mới được lên chức, những chuyến đi biển của chồng, về những con tàu mới cập bến, thậm chí đôi khi về tính năng chiến đấu của chúng, và tất nhiên, họ không quên đàm tiếu về giới lãnh đạo, từ tư lệnh hạm đội đến chỉ huy từng con tàu chiến.
Hằng ngày Ruth và Friedel làm việc trong tiệm báo cáo với bác sĩ về những câu chuyện họ nghe được. Qua các liên lạc viên, ông chuyển thông tin đến các lãnh sự quán Đức và Nhật.
Phong cảnh quần đảo Hawaii.
Một lần, lãnh sự Nhật Bản ở Honolulu, Otohiro Okuda, mời Ruth và bố cô đến. Họ tiến hành một cuộc gặp bí mật. Okuda giao nhiệm vụ mới: thu thập thông tin về tình hình trên hạm đội - ngày khởi hành và trở về chính xác của các con tàu, địa điểm neo đậu chính xác, số lượng và các chủng loại tàu. Ông ta cảm ơn họ vì công việc đã làm, đồng thời giao công việc mới và hứa sẽ trả nhiều tiền hơn.
Ruth yêu cầu bốn mươi nghìn đô la, nhưng bố cô đồng ý trả trước mười bốn nghìn đô, số còn lại sẽ nhận sau khi hoàn thành công việc. Bác sĩ Kuehn tỏ ra lo lắng: biết lấy đâu những thông tin này. Nhưng Ruth chỉ cười - cô đã đính hôn với một sĩ quan hải quân cao cấp và có thể làm bất cứ điều gì! Bây giờ cô là người chỉ huy, còn bố cô thực hiện những nhiệm vụ của cô. Vốn là một thủy thủ, ông có kỹ năng phân tích. Hai bố con tạo thành một cặp đôi tuyệt vời.
Hơn nữa, cậu bé Hans Joachim 10 tuổi hiện đã giúp đỡ được bố và chị. Luôn luôn mặc bộ đồ thủy thủ, vui vẻ và nhanh nhẹn, cậu được các thủy thủ quý mến. Họ đưa cậu lên tàu và cho xem tất cả các “đồ chơi” ở đó. Ruth không được phép lên tàu, nhưng qua những người bạn sĩ quan cô biết hết tất cả những gì mà em trai cô đã nhìn thấy và thích thú. Hơn nữa, cậu cũng kể lại đôi điều gì đó, theo mức độ hiểu biết và tuổi tác của mình.
Một lần, Ruth được chồng sắp cưới mời đến thăm một con tàu quân sự. Nhưng sau đó cô không đến nữa, vì nghe sau lưng có người nói khá rõ ràng: “Phụ nữ trên tàu là một điềm gở!”.
Ruth Kuehn đã sáng chế ra hệ thống phát tín hiệu đến lãnh sự quán Nhật Bản từ ngôi nhà nhỏ mới mua ở khu vực căn cứ Trân Châu Cảng. Theo yêu cầu của lãnh sự, hệ thống đã được cải tiến để các con tàu của hạm đội Nhật Bản cũng có thể nhận được.
Một hôm, Ruth mua hai chiếc ống nhòm hàng hải cực mạnh ở Honolulu. Đối với một cô gái trẻ, việc mua sắm này xem ra khá lạ lùng, nhưng dù sao cũng không gây ra bất kỳ nghi ngờ nào.
Ngày 2/12/1941, Ruth và bố cô lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống mới. Nó hoạt động rất tốt. Vào ngày này, lãnh sự Okuda đã nhận được thông tin chính xác của họ về số lượng, chủng loại và vị trí của các con tàu ở Trân Châu Cảng. Sáng hôm sau, ông Nagoa Kita, tổng lãnh sự kiêm phụ trách cơ quan tình báo Nhật Bản, đã sử dụng máy phát sóng ngắn chuyển thông tin này về sở chỉ huy của cơ quan tình báo Hải quân Nhật Bản.
Ruth và Bernard Kuehn biết chính xác ngày và thậm chí cả giờ xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Giờ đây số phận của hạm đội Mỹ đã nằm trong tay họ. Một ngày trước cuộc tấn công, Ruth và bố cô liên tục truyền đi những thông tin mới nhất, cập nhật nhất. Tàu ngầm Nhật Bản nhận được thông tin rồi gửi về trung tâm qua điện đài. Các tín hiệu vô tuyến đã bị cơ quan tình báo Mỹ phát hiện. Thậm chí, 36 giờ trước cuộc tấn công, từ lãnh sự quán Nhật Bản, liên lạc vô tuyến trực tiếp với Tokyo vẫn được truyền đi, kể cả thông tin do Ruth cung cấp.
Tuy nhiên, cả FBI lẫn cơ quan tình báo hải quân và phản gián Mỹ đều không coi trọng những thông tin này, họ thể hiện một sự bất cẩn đáng kinh ngạc.
Máy bay Nhật bị bắn rơi ở Trân Châu Cảng.
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 7/12/1941, 105 máy bay của Không lực Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã bất ngờ tấn công nơi neo đậu của các tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương và các căn cứ không quân trên quần đảo Hawaii.
Bảy trong số tám thiết giáp hạm của Hạm đội Thái Bình Dương và khoảng 80 tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu rải mìn, tàu quét mìn và các tàu chiến khác đang neo đậu tại Trân Châu Cảng.
Người Nhật biết chính xác các mục tiêu của họ: chúng được tính toán cho từng chiếc máy bay theo tọa độ do gia đình Kuehn cung cấp. Cuộc không kích kéo dài tổng cộng 1 giờ 45 phút (có nghỉ 15 phút giữa chừng) đã vô hiệu hóa tất cả các thiết giáp hạm và phần lớn các tàu khác. Hơn ba nghìn rưỡi thủy thủ chết hoặc mất tích. Có khoảng một nghìn rưỡi người bị thương.
Sau đó, hạm đội Nhật Bản và Quân đội đế quốc Nhật bắt đầu cuộc tuần hành thắng lợi qua các đảo Thái Bình Dương, Đông Dương, Malaya và Miến Điện.
Ruth Kuehn đã giám sát toàn bộ cuộc tấn công. Với sự giúp đỡ của bố dượng, cô đã báo cáo kết quả vụ đánh bom bằng tín hiệu ánh sáng cho lãnh sự quán Nhật Bản, rồi từ đó chúng được truyền trực tiếp qua vô tuyến cho chỉ huy hạm đội Nhật Bản.
Chỉ mười lăm phút trước khi kết thúc cuộc không kích, ba sĩ quan Mỹ xông vào nhà Kuehn vì tình cờ nhận thấy tín hiệu ánh sáng. Nhưng điều này không còn có thể ảnh hưởng đến số phận của hạm đội nữa.
Gia đình Kuehn bị bắt quả tang. Tại phiên tòa, ông bố đã nhận toàn bộ tội lỗi về mình. Vợ và con gái ông cũng nhận tội. Nhưng tòa án đã phán xét theo cách riêng của mình: bà vợ xem ra quá ngờ nghệch, cô con gái quá trẻ và đẹp. Vì vậy chỉ Bernard bị kết án tử hình. Ông ta đấu tranh tuyệt vọng để giành lấy mạng sống, hứa sẽ tiết lộ cho người Mỹ toàn bộ mạng lưới tình báo Nhật và Đức ở Thái Bình Dương, và trong tương lai sẽ trung thành phục vụ người Mỹ. Ngày 26/10/1942, án tử hình của Bernard được thay thế bằng 50 năm tù tại nhà tù Alcatraz nổi tiếng ở San Francisco. Nhưng năm 1948, ông được trả tự do và chuyển đến Argentina.
Hai mẹ con - bà Friedel và cô Ruth Kuehn - được tòa án tuyên trắng án do không đủ chứng cứ, họ chỉ bị giam giữ cho đến khi chiến tranh kết thúc. Sau chiến tranh, họ trở về Tây Đức và sống một cuộc sống sung túc. Ruth đổi tên và làm giáo viên ở một trường phổ thông.
Nguồn: [Link nguồn]
Aliia Roza sinh ra ở Nga, con của một tướng quân đội cấp cao, được đào tạo để trở thành điệp viên. Nhưng ở tuổi 19, cô đem lòng yêu một gã đàn ông nguy hiểm là mục tiêu...