Rút quân khỏi Afghanistan, ông Biden săn lùng và không kích khủng bố thế nào?
Cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ ở Afghanistan đang kết thúc theo cách hết sức thảm khốc, khi có tới 13 binh sĩ Mỹ và 90 người Afghanistan thiệt mạng trong hai vụ đánh bom ở sân bay Kabul.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng sau hai vụ đánh bom ở sân bay Kabul.
Trong bài xã luận đăng tải trên đài CNN, báo Mỹ chỉ trích việc Washington đã thất bại trong việc loại bỏ khủng bố khỏi Afghanistan. Chiến đấu chống khủng bố là lý do Mỹ đưa quân vào Afghanistan, sau sự kiện ngày 11.9.2001.
Với việc còn 4 ngày nữa là tới thời hạn chót của chiến dịch sơ tán (31.8), ngày càng có thêm nguy cơ có thêm các vụ tấn công khủng bố nhắm vào binh sĩ Mỹ ở sân bay Kabul.
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng sau vụ đánh bom, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói “săn lùng đến cùng những kẻ phải chịu trách nhiệm”, rằng Mỹ sẽ “không quên và không bao giờ tha thứ”.
Nhưng khác với thời điểm cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên chiến với khủng bố năm 2001, nước Mỹ ngày nay đã quá mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài 20 năm.
Các mối đe dọa của khủng bố không thể đánh bại Mỹ, nhưng có thể kéo Mỹ vào một cuộc xung đột không biết bao giờ mới kết thúc, CNN nhận định.
Theo CNN, bài phát biểu của ông Biden cũng đặt ra một số vấn đề mâu thuẫn. Thứ nhất, ông Biden khẳng định Mỹ sẽ hoàn tất chiến dịch sơ tán vào ngày 31.8, nhưng vụ đánh bom đã ảnh hưởng đáng kể đến chiến dịch sơ tán.
ISIS-K là tổ chức khủng bố nhận trách nhiệm về hai vụ đánh bom ở sân bay Kabul.
CNN cho rằng, Mỹ không thể kịp sơ tán toàn bộ 1.000 người Mỹ và người tị nạn Afghanistan trong những ngày còn lại.
Thứ hai, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ không kích đáp trả khủng bố ISIS-K. Nhưng khi không còn lính Mỹ trên thực địa ở Afghanistan, sẽ rất khó để giáng đòn không kích chính xác.
Vụ đánh bom khiến ông Biden rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, CNN nhận định. Mỹ không thể tiếp tục hiện diện quân sự ở Afghanistan, nhưng cũng không thể chấm dứt nỗ lực chống khủng bố ở quốc gia này.
Vụ đánh bom cũng nêu bật vị thế yếu kém của Mỹ ở Afghanistan. Sau cuộc chiến kéo dài 20 năm, quân đội Mỹ đang phải phụ thuộc vào chính kẻ thù cũ là Taliban, trong khi tổ chức này đã cho thấy hạn chế trong việc ngăn chặn khủng bố tiếp cận sân bay Kabul.
Theo CNN, hai vụ đánh bom tự sát cũng cho thấy vấn đề trong kế hoạch tổ chức và kiểm soát sơ tán của Mỹ. Ông Biden dường như đã mắc sai lầm khi không quyết định tổ chức chiến dịch sơ tán ở căn cứ không quân Bagram thay vì sân bay Kabul.
Căn cứ Bagram là thành trì lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan, nằm ở ngoại ô thủ đô Kabul. Tại Bagram, lính Mỹ có khả năng phòng vệ tốt hơn trước các mối đe dọa khủng bố.
Cuối cùng, trong khi Mỹ chưa hoàn tất chiến dịch sơ tán và rút quân khỏi Afghanistan, vụ đánh bom là dấu hiệu cho thấy khủng bố đã sẵn sàng mở rộng mạng lưới hoạt động ở Afghanistan do Taliban kiểm soát, đi ngược với chiến lược của Mỹ khi đàm phán hòa bình với Taliban, theo CNN.
Nguồn: [Link nguồn]
ISIS-K, một nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), gần đây đã gây ra hai vụ đánh bom tự sát ở sân bay Kabul khiến...