Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Mỹ “vây” TQ bằng vành đai tên lửa?

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận vũ khí hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh với Nga được coi là động thái giúp Washington đưa hàng loạt tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến lược đến châu Á để đối phó TQ, các chuyên gia nhận định.

Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Mỹ “vây” TQ bằng vành đai tên lửa? - 1

Mỹ có thể đưa các tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm trung đến châu Á đối phó Trung Quốc.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân INF với Nga. Hiệp ước từ thời Chiến tranh Lạnh nghiêm cấm việc phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung mang đầu đạn hạt nhân.

Quyết định của ông Trump sẽ giúp Mỹ có nhiều lựa chọn quân sự hơn, giúp Washington giáng đòn hạt nhân dễ dàng hơn nếu xung đột xảy ra với Trung Quốc, các chuyên gia nói thêm.

Đáp trả tuyên bố của ông Trump, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ không bị đẩy vào thế phải ký hiệp ước. “Chúng tôi đang theo dõi sát sao tuyên bố của ông Trump và cố vấn John Bolton về hiệp ước INF và Trung Quốc”.

“Trung Quốc luôn theo đuổi chiến lược phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia. Trung Quốc không chấp nhận việc để bất kỳ một quốc gia nào khác đe dọa”.

Adam Ni, một nhà nghiên cứu chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học quốc gia Úc, nói Mỹ sẽ dễ dàng thể hiện ưu thế vượt trội về quân sự hơn sau khi rút khỏi thỏa thuận, bằng cách đưa các tổ hợp tên lửa đạn đạo đến châu Á.

Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Mỹ “vây” TQ bằng vành đai tên lửa? - 2

Trung Quốc không bị ràng buộc bởi INF nên không ngừng phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa hiện đại.

“Mỹ hiện có hai phương án tấn công mục tiêu ở Trung Quốc. Đó là dùng máy bay ném bom tầm xa hoặc tàu ngầm hạt nhân”, Adam nói. “Quyết định của ông Trump giúp Mỹ có thêm lựa chọn thứ ba là dùng tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung. Các tên lửa này có thể được phóng từ căn cứ ở Nhật”.

Không chịu sự ràng buộc của hiệp ước INF, Trung Quốc hàng chục năm qua đã chế tạo các tên lửa đạn đạo chiến lược, từ tầm ngắn đến tầm xa, đe dọa căn cứ Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và thậm chí là cả lục địa Mỹ.

Một trong những tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc là mẫu DF-41. Tên lửa này đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ trong tầm ngắm. Các loại vũ khí tầm trung khác tạo ra mối đe dọa với tàu sân bay Mỹ nếu xung đột nổ ra.

Collin Koh, chuyên gia tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng đây là cách để Mỹ đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. “Bắc Kinh đã và đang đạt được bước tiến lớn nhờ tên lửa đạn đạo trên mặt đất. Washington chịu nhiều sức ép để đối phó với các mối đe dọa này”.

Nhưng một số chuyên gia khác cho rằng, ngay cả khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ không thể sớm sở hữu tên lửa chiến lược tầm ngắn và tầm trung vì chi phí đắt đỏ.

Trump nhắm vào TQ khi rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga?

Quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nhắm vào Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN