Rút hết quân, liệu Mỹ đã chấm dứt cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan?
Việc rút quân có thể mở ra một giai đoạn mới ở Afghanistan với nhiều lo ngại hơn cho Mỹ nhưng khả năng phản ứng của Washington lại hạn chế hơn trước.
Tối 30-8, binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi sân bay Kabul và Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan chính thức kết thúc sau 20 năm. Ông Biden cám ơn những lực lượng sau cùng của Mỹ đã đảm bảo công tác rút lui đầy nguy hiểm ở Afghanistan được tiến hành đúng lịch trình.
“17 ngày qua đã chứng kiến các binh sĩ tiến hành cuộc di tản hàng không lớn nhất lịch sử Mỹ, di tản hơn 120.000 công dân Mỹ, các nước đồng minh và các cộng tác viên người Afghanistan. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ với sự can đảm, tính chuyên nghiệp và quyết tâm chưa từng thấy” - đài CNN dẫn lời ông Biden.
Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden đón thi thể lính Mỹ tử nạn trong cuộc đánh bom hôm 26-8 ở sân bay Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ và đồng minh đang thảo luận khả năng mở cửa lại sân bay Kabul càng sớm càng tốt nhằm đưa những người còn lại rời khỏi Afghanistan, trong đó có người Mỹ, người có quyền cư trú hợp pháp ở Mỹ và các cộng tác viên Afghanistan. Theo ông, hiện còn trên dưới 100 công dân Mỹ đang kẹt lại ở Afghanistan và Bộ Ngoại giao đang nỗ lực tìm kiếm, bắt liên lạc để hỗ trợ di tản.
“Đến nay, chúng tôi đã dừng hiện diện ngoại giao ở Kabul, chuyển hoạt động đến thủ đô Doha của Qatar và sẽ sớm thông báo đến Quốc hội. Do môi trường an ninh, tình hình chính trị khó lường ở Afghanistan, đây là bước đi thận trọng cần thiết” - ông Blinken thông báo.
Dù rút quân, “cuộc chiến bất tận” vẫn chưa thể chấm dứt
Theo tờ The Washington Post, đối với ông Biden, việc người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan vẫn chưa thể là dấu chấm hết cho sự can thiệp của Washington vào nước này. Trên thực tế, sự chấm dứt của “cuộc chiến bất tận” - cách mà người Mỹ gọi cuộc chiến ở Afghanistan - dường như là một bước ngoặt hơn là một sự kết thúc thực sự và việc rút quân sẽ mở ra giai đoạn mới với nhiều thử thách, nguy hiểm không thua gì 20 năm qua cho Mỹ.
Điều rõ ràng nhất trước mắt là chính phủ ông Biden hiện đang phải đắn đo xem có thể tin được phe Taliban giữ lời hứa về sự chuyển giao hòa bình hay không. Nhóm này đã nhiều lần cam kết sẽ không tìm cách trả thù những người Afghanistan từng cộng tác với Mỹ cũng như tôn trọng quyền phụ nữ trong khuôn khổ Hồi giáo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại hay thậm chí các đồng minh của Tổng thống Biden đến nay vẫn không có vẻ gì tin tưởng vào những cam kết này và đang tính tới kêu gọi nỗ lực quốc tế nhằm gây sức ép lên Taliban.
Những mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ cũng chưa hề biến mất, trong đó có việc liệu Afghanistan dưới quyền Taliban kiểm soát có một lần nữa trở thành nơi xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố tấn công vào nước Mỹ và phương Tây hay không.
Bao trùm tất cả vấn đề trên là cuộc khủng hoảng nhân đạo khi làm sao giải quyết cuộc sống cho hàng trăm ngàn người Afghanistan đã được sơ tán. Dù là cộng tác viên với quân đội Mỹ nhưng việc phải rời bỏ quê hương để sống tại một nước khác không cùng văn hóa vẫn là một sự thay đổi rất lớn trong cuộc sống, mà họ sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thích nghi.
“Hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra với những người Afghanistan bị bỏ lại? Còn sự hiện diện của các nhóm khủng bố ở Afghanistan thì sao? Chúng ta sẽ làm gì trước sự kháng cự với Taliban?” - chuyên gia Danielle Pletka thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) đặt câu hỏi.
Theo một cuộc thăm dò do hãng tin Reuters phối hợp với công ty khảo sát Ipsos (Mỹ) thực hiện vài ngày trước và công bố hôm 30-8, chỉ có 38% người Mỹ tham gia khảo sát tán thành việc ông Biden xử lý việc rút quân khỏi Afghanistan, trong khi có tới 51% không ủng hộ. 49% còn cho rằng quân đội Mỹ nên ở lại Afghanistan “cho đến khi tất cả công dân Mỹ và các đồng minh của Afghanistan được sơ tán”. |
Sự nghiệp của ông Biden bị ảnh hưởng như thế nào?
Những thách thức từ cuộc rút quân ở Afghanistan không chỉ dừng ở vấn đề an ninh - nhân đạo mà còn ảnh hưởng lên chính sự nghiệp chính trị của ông Biden và đảng Dân chủ nói chung. Cái chết của 13 binh sĩ Mỹ trong vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul ngày 26-8 ảnh hưởng không nhỏ tới thông điệp cốt lõi của ông Biden: “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”. Trong khi đó, đảng Dân chủ lo ngại sẽ vấp phải những phản ứng dữ dội từ công chúng, đe dọa đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Một số thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện thậm chí đã bắt đầu thảo luận kín về việc liệu Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan có nên bị sa thải hay không vì đã không hoặc không thể can gián ông Biden ngừng việc rút quân.
Cuộc không kích của Mỹ hôm 29-8 vào một phương tiện quân sự bên ngoài sân bay Kabul được cho là mang bom của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã làm nhiều dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em. Vụ việc càng làm phức tạp thêm hình ảnh của Mỹ ở Afghanistan hậu rút quân và khiến dự định của ông Biden trông giống một sai lầm hơn là một kế hoạch bài bản được suy tính kỹ.
Về mặt tích cực thì theo Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) Ian Bremmer, việc Mỹ rút quân cuối cùng đã giúp ông Biden và các đời tổng thống dứt khỏi khu vực đầy rắc rối này, phù hợp với nguyện vọng của một bộ phận người dân Mỹ.
Dù vậy, đảng Cộng hòa sau cùng vẫn muốn quy trách nhiệm cho ông Biden với những gì mà họ gọi là sự rời đi hỗn loạn khỏi Afghanistan. Ông Bremmer cho rằng các đối thủ chính trị của Tổng thống Biden sẽ lợi dụng những cuộc khủng hoảng mà chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt, từ đại dịch COVID-19, cuộc rút quân hỗn loạn ở sân bay Kabul cùng những kịch bản chính trị tiêu cực trong năm tới để đổ lỗi cho Tổng thống Biden, mặc dù “hầu hết điều này có thể đều nằm ngoài tầm kiểm soát của ông ấy”.
“Đây là thời điểm bước ngoặt cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Nếu may mắn, Tổng thống Biden sẽ trở thành một Jimmy Carter thứ hai (tổng thống Mỹ giành giải Nobel Hòa bình năm 2002 - PV). Nếu không thì ông ấy sẽ chứng kiến một sự kiện tương tự như vụ khủng bố ngày 11-9-2001” - ông Bremmer nhấn mạnh.
Đài CNN dẫn lời chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ - tướng Frank McKenzie cho hay quân đội Mỹ đã vô hiệu hóa hàng loạt máy bay, xe bọc thép và các hệ thống phòng thủ công nghệ cao tại sân bay Kabul trước khi rút khỏi Afghanistan hôm 30-8. Ông McKenzie cho biết 73 máy bay đậu tại sân bay quốc tế Hamid Karzai đã bị “phi quân sự hóa”, tức đã bị vô hiệu hóa để không thể sử dụng được nữa. Nước này cũng đã bỏ lại hơn 90 xe thiết giáp MRAP và Humvee có giá khoảng 1 triệu USD/chiếc đã bị vô hiệu hóa. Ngoài ra, Mỹ cũng bỏ lại ít nhất hai hệ thống phòng không C-RAM có khả năng chặn rocket, đạn cối và hỏa lực. Các hệ thống này đã giúp Mỹ vô hiệu hóa năm rocket do nhóm khủng bố ISIS-K nã vào sân bay Kabul. |
Nguồn: [Link nguồn]
Những thông tin mới xuất hiện ngày 31.8, tiết lộ thêm thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Taliban, trong những ngày diễn ra chiến...