Rùng mình với thứ nguyên vẹn 2.000 năm trong ngôi mộ cổ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong một hầm mộ cổ ở Tây Ban Nha là thứ giống như bình rượu vang đỏ kỳ quái, 2.000 năm không bị bốc hơi. Sự thật đằng sau còn đáng sợ hơn.

Tờ Science Alert mô tả phát hiện trong hầm mộ cổ thời La Mã ở nghĩa trang Carmo (Tây Ban Nha) là ứng cử viên mới cho "món quà" tồi tệ nhất mà lịch sử trao lại cho chúng ta.

Đó là một chiếc bình đựng chất lỏng giống rượu vang đỏ, vẫn còn lỏng một cách ma quái sau 2.000 năm bị chôn vùi.

Các phân tích cho thấy chất lỏng đó đúng là rượu vang, nhưng không chỉ có vậy.

Bình rượu vang "tử thần" trong hầm mộ cổ ở Tây Ban Nha - Ảnh: Journal of Archaeological Science: Reports

Bình rượu vang "tử thần" trong hầm mộ cổ ở Tây Ban Nha - Ảnh: Journal of Archaeological Science: Reports

Nhà khảo cổ học Juan Manuel Román của Bảo tàng Thành phố Carmona, thành viên nhóm khảo cổ, cho biết họ đã sử dụng nhiều phương pháp để xác định thành phần hóa học của chất lỏng.

Về cơ bản, đó là rượu vang, thông qua các polyphenol, nhóm hợp chất chống oxy hóa dồi dào trong vỏ nho, vẫn còn rất rõ ràng.

Tuy nhiên nó thiếu đi một polyphenol đặc biệt được mong đợi có trong rượu vang đỏ là axit syringic thì không được tìm thấy. Như vậy, đây là một bình đựng rượu vang trắng chứ không phải màu đỏ.

Màu đỏ do những gì tạo ra vẫn chưa rõ ràng, nhưng một trong những thứ đó có thể là... tro cốt của con người, thông qua lượng chất hữu cơ được xác định trong bình rượu.

Bình rượu vang và thùng chì bao bọc bên ngoài - Ảnh: Journal of Archaeological Science: Reports.

Bình rượu vang và thùng chì bao bọc bên ngoài - Ảnh: Journal of Archaeological Science: Reports.

Nói cách khác, bình đựng rượu vang mà các nhà khảo cổ tìm thấy thực ra là bình đựng tro cốt. Rượu vang trắng chỉ là một trong những món đồ lễ khi an táng người đã khuất, được rót đầy vào bình đựng tro.

Không rõ tro cốt này có liên quan đến màu đỏ của rượu hay không. Nhưng cũng có khả năng nhiều chất khác đã xâm nhập vào ngôi mộ cổ sau hàng thiên niên kỷ, khiến màu rượu bị thay đổi.

Bất chấp điều đó, bình rượu này hiện đã trở thành loại rượu cổ lâu đời nhất được tìm thấy ở trạng thái lỏng trên thế giới, đánh bại một chai rượu khác từ thế kỷ thứ IV.

Rượu bên trong có thể được nhập khẩu từ một nơi khá xa, bởi không tương đồng với các loại rượu vang truyền thống ở địa phương.

Bình rượu vang được niêm phong cẩn thận trong một thùng chì và đặt cạnh một số bình tro cốt khác trong hầm mộ, cho thấy đó có thể là nơi chôn cất của một gia đình.

Trong bình còn chứa một chiếc nhẫn vàng, trên đó có khắc hình tượng trưng của Janus - vị thần thời gian, sự khởi đầu và chuyển đổi trong thần thoại người La Mã.

Hầm mộ này đã tồn tại nguyên vẹn một cách may mắn, thoát khỏi bàn tay những kẻ trộm mộ đã tàn phá nhiều di tích khác quanh đó. Địa điểm được các nhà khảo cổ tìm thấy vào năm 2019.

Một chiếc bình thủy tinh khác ở địa điểm này chứa tro cốt của một người phụ nữ tên là Hispana. Tro của bà không bị ngâm trong rượu, thay vào đó là trang sức bằng hổ phách, một lọ pha lê bằng đá chứa hoắc hương và một vật bằng vải lụa được đặt vào trong bình tro cốt.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Archaeological Science: Reports.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngôi mộ cổ của đôi vợ chồng sống vào 1.800 năm trước còn nguyên vẹn một cách khó hiểu giữa các ngôi mộ bị kẻ cướp khoắng sạch bảo vật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN