Rừng Amazon không phải là “lá phổi xanh” của thế giới?

Không thể phủ nhận rừng Amazon là một kỳ quan lớn, khu dự trữ sinh quyển lớn nhất thế giới, nhưng nó có thật sự phải là "cái rốn" tạo oxy trên Trái Đất như chúng ta vẫn nghĩ?

Rừng Amazon có thực sự là "lá phổi xanh" của Trái Đất? (Ảnh: Luciano Lima)

Rừng Amazon có thực sự là "lá phổi xanh" của Trái Đất? (Ảnh: Luciano Lima)

Thế giới đang chấn động trước vụ cháy tại rừng Amazon, không chỉ bởi mức độ tàn phá khủng khiếp chưa từng có mà nó gây ra trong hàng thập kỷ qua, mà còn bởi những hậu quả tai hại đối với đa dạng sinh học và sinh quyển mà khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này mang lại.

“Cứu lấy rừng Amazon – cứu lấy lá phổi xanh của Trái Đất” là khẩu hiệu đang được hô hào bởi rất nhiều nhân vật nổi tiếng, từ các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cho đến CEO Tim Cook của Apple hay các ngôi sao Hollywood.

Có một số liệu thống kê mà các nhà hoạt động môi trường rất hay đưa ra, đó là việc rừng Amazon đang sản sinh tới 20% lượng oxy trên Trái Đất.

Nhưng số liệu trên có thật sự chính xác, và liệu vấn đề oxy có phải mối quan tâm hàng đầu đối với rừng Amazon hay không?

Có thể bạn không tin, nhưng đóng góp của rừng Amazon đối với lượng oxy trên hành tinh này gần như là con số không tròn trĩnh.

Allison Mills, trưởng khoa truyền thông quốc tế tại Đại học Công nghệ Michigan, Mỹ, cho biết:

“Tôi đã nhìn thấy số liệu 20% ở khắp mọi nơi trên mạng xã hội. Thật sự nó chẳng có ý nghĩa gì cả, còn rất nhiều lý do khác mà chúng ta có thể quan tâm hoặc lo sợ từ sự vụ cháy rừng Amazon, nhưng sự thiếu hụt nguồn cung oxy cho thế giới không nằm trong số đó.”

Nhiều thông tin cho rằng rừng Amazon đóng góp tới 20% lượng oxy trên Trái Đất (Ảnh: Rio Brazil)

Nhiều thông tin cho rằng rừng Amazon đóng góp tới 20% lượng oxy trên Trái Đất (Ảnh: Rio Brazil)

Thực tế, rừng Amazon dù sản xuất ra rất nhiều oxy ở một khía cạnh nào đó, nhưng hầu hết trong số chúng đều đã được tiêu thụ hết bởi cây cối (vào ban đêm), sinh vật sống trong rừng, và các loại vi khuẩn trong quá trình phân hủy những thứ đã chết.

Một nghiên cứu từ tạp chí Ecology đã chỉ ra rằng dù lượng oxy tự do trong không khí phần lớn đến từ thực vật thông qua quá trình quang hợp, hầu hết các khu rừng trên thế giới đều đã dùng hết lượng oxy do chúng tạo ra. Kết quả là chúng chỉ đóng góp từ 1 đến 6% lượng oxy được thải ra ngoài khí quyển.

Nhà sinh vật học Shanan Peter từ Đại học Wisconsin, Mỹ, trong một bài thuyết trình tại Hội nghị Cổ sinh vật học Bắc Mỹ ở Riverside, California vào tháng 6 vừa qua, đã đưa ra một tuyên bố gây chấn động, khi ông cho rằng kể cả khi đốt trụi toàn bộ sinh vật sống trên Trái Đất, chỉ chừa lại mỗi con người, thì lượng oxy ngoài khí quyển cũng sẽ chỉ giảm từ 20,9 xuống còn 20,4%.

“Gần như không có một thay đổi nào,” ông kết luận, “Các thế hệ con người vẫn sẽ sống, hít thở bầu không khí xung quanh, chỉ gặp khó khăn đôi chút khi tìm kiếm thức ăn, nhưng sẽ chẳng bao giờ phải lo về vấn đề hô hấp.”

Sự thật là hầu hết lượng oxy có thể hít thở trên hành tinh của chúng ta đều bắt nguồn từ các đại dương. Theo trang EarthSky, các nhà khoa học tin rằng thực vật phù du trên các đại dương đóng góp từ 50-85% oxy trong bầu khí quyển Trái đất. Thậm chí có người cho rằng nguồn oxy này chiếm đến 90%.

Trải qua hàng trăm triệu năm, lượng nhỏ oxy dư thừa sinh ra từ quá trình quang hợp bởi thực vật phù du dưới lòng đại dương đã tích tụ lại để tạo nên một bể chứa oxy mà toàn bộ sinh vật sống đang phụ thuộc vào nó, theo như giải thích của Scott Denning, giáo sư ngành khoa học khí quyển tại Đại học Bang Colorado. Nồng độ lượng oxy này chiếm tới 20,9% bầu khí quyển trên Trái Đất trong hàng triệu năm.

“Kể cả khi sự gia tăng các vụ cháy rừng lớn có thể gây ra những xáo trộn về oxy mà chúng ta khó có thể đo đếm được, thì lượng oxy trong không khí vẫn đủ để sử dụng đến hàng triệu năm nữa, và tỷ lệ này được tạo ra bởi địa chất dưới lòng đất hơn là trên mặt đất,” giáo sư Denning cho biết.

Sự thật thì đại dương mới là nguồn cung cấp oxy chủ đạo cho Trái Đất (Ảnh: GETTY)

Sự thật thì đại dương mới là nguồn cung cấp oxy chủ đạo cho Trái Đất (Ảnh: GETTY)

Cả giáo sư Mills, Denning lẫn các nhà khoa học khác đều khẳng định rằng điều đáng lo hơn cả đối với Trái Đất từ vụ cháy rừng Amazon chính là tác động của carbon dioxide và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Những cánh rừng bị mất đi đồng nghĩa với việc chúng ta thiếu đi khả năng lọc khí thải từ các nhiên liệu hóa thạch mà con người đốt cháy.

Các nhà khoa học cũng nhắc đến việc những thảm thực vật, rừng cây, những mảng tảo biển lớn... vì một sự biến đổi nào đó trong quá trình địa chất cách đây hàng chục triệu năm, bị chôn vùi sâu trong lòng đất. Và dưới những điều kiện đặc biệt, chúng dần trở thành nhiên liệu hóa thạch - một món quà quý giá không kém gì oxy, để con người ngày nay khai thác và phục vụ cho nền văn minh công nghiệp.

Điều đó có nghĩa là con người ngày nay không chỉ đốt rừng trong hiện tại, mà còn đang đốt những cánh rừng trong quá khứ hàng chục triệu năm. Khi CO2 giải phóng từ đốt nhiên liệu hóa thạch tăng lên, có nghĩa là oxy trong khí quyển giảm xuống một lượng tương đương. 

Kết quả là oxy đang giảm nhanh do đốt nhiên liệu hóa thạch, tức là từ những cánh rừng trong quá khứ, hơn là đốt những cánh rừng trên bề mặt hành tinh. Chúng ta đang đảo ngược quá trình quang hợp hàng chục triệu năm trong một lúc.

Theo giáo sư Denning, những ước tính chính xác nhất cho thấy riêng các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch đã "đóng góp" tới 10% lượng CO2 thải vào môi trường. Hiện tại, còn quá sớm để nói rằng vụ cháy rừng gần đây tại Amazon khiến tỉ lệ này tăng lên. Dù chúng đương nhiên là một nguồn CO2 đáng kể, nhưng lượng khí thải sinh ra từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy còn lớn hơn gấp 10 lần.” 

Rất may là lượng oxy của chúng ta hiện thời vẫn còn ở mức dồi dào, và việc tìm và khai thác nhiên liệu hóa thạch cũng không phải là dễ dàng. Tất nhiên, điều đó hoàn toàn không phải là chúng ta không nên lo lắng về cháy rừng Amazon. Ngược lại, có rất nhiều vấn đề phải lưu tâm, như số phận của hệ động thực vật phong phú ở đây, việc hấp thụ CO2 chống biến đổi khí hậu, giữ nước, chống xói mòi, cải thiện và điều hòa môi trường...

Những sự thật về cháy rừng Amazon

Cháy rừng tại Amazon hiện đang nghiêm trọng đến mức nào? Bao nhiêu người đang lo sợ về nó và cá nhân mỗi chúng ta có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh - The Atlantic, Market Watch ([Tên nguồn])
Cháy rừng Amazon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN