Rủi ro rình rập thợ lặn trong ngày thứ 3 giải cứu đội bóng Thái Lan
Chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan bước sang ngày thứ 3 và rất có thể là ngày cuối cùng, nhưng các thợ lặn dày dạn kinh nghiệm vẫn phải đối mặt với muôn vàn thách thức.
19 thợ lặn Thái Lan đã làm việc không ngừng nghỉ suốt 3 ngày qua.
Theo trang mạng New Zealand, chiến dịch giải cứu 8 cậu bé trong hai ngày qua có vai trò rất lớn của 19 thợ lặn ưu tú. Họ đã ra và vào khu vực hang động trong suốt một tuần qua nên biết có cấu trúc và đường đi đến nơi các cậu bé mắc kẹt.
Chính quyền Thái Lan không muốn mạo hiểm thay nhóm thợ lặn dù đây là những người làm việc với cường độ cao nhất trong 2 ngày qua.
Keith Dekkers, chuyên gia lặn hang động người New Zealand nhận định, chính quyền Thái Lan đã khởi động chiến dịch dài cứu đợt 3 nhưng điều này không đồng nghĩa với việc công việc của các thợ lặn trở nên dễ dàng hơn.
Dù nắm được hệ thống hang động, các thợ lặn cũng chỉ biết khái quát địa hình bên trong. Họ vẫn sẽ phải mất thời gian vào việc xác định vị trí khi dẫn theo các cậu bé qua lòng hang hẹp, thiếu ánh sáng.
“Vừa cố gắng tìm đường qua lối đi chật hẹp, vừa đảm bảo an toàn cho các cậu bé, bạn phải làm cả hai việc đó liên tục. Chúng gây kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần”, Dekkers nhận định.
Theo chuyên gia New Zealand, họ phải cố gắng ghi nhớ hoặc mường tượng cấu trúc hang động trong tương quan với vị trí của mình, dựa vào những gì họ cảm thấy hoặc chạm vào được.
Xe cứu thương sẵn sàng đưa các cậu bé rời khỏi hang đến bãi đáp trực thăng.
“Vì tầm nhìn hạn chế, bạn không thể nhìn thấy những thay đổi dù chỉ là nhỏ nhất. Nếu không xác định được phương hướng, bạn không thể biết là mình nên đi lên, đi xuống hay rẽ ngang... để rồi cuối cùng lại quay về hang động một lần nữa”.
Dekkers là một thợ lặn giàu kinh nghiệm. Ông từng thực hiện không dưới 100 chuyến thám hiểm hang động ở Bình nguyên Nullarbor, Úc và Đảo Nam, New Zealand. Ông cho biết thợ lặn phải cố thư giãn tâm trí hoàn toàn trong lúc di chuyển dưới nước.
“Bạn phải tập trung tới 101% vào việc di chuyển từ từ. Tuyệt đối không được nghĩ xem liệu khi nào mới trở ra được”, Dekkers nói.
Theo Dekkers, khoảng cách giữa người cứu hộ và cậu bé được giải cứu là vô cùng quan trọng bởi họ có thể không nhìn thấy nhau trong lúc di chuyển.
“Khoảng cách đủ gần để em nhỏ có thể chạm vào thợ lặn. Các thợ lặn không muốn cậu bé đột nhiên tự hỏi mình đang ở đâu hay chuyện gì đang xảy ra”, ông nói.
Dù mực nước trong lòng hang đã giảm sâu, chỉ huy chiến dịch giải cứu, Narongsak Osottanakorn nói các cậu bé vẫn phải đi qua 1/5 quãng đường ngập trong nước.
Đó là những đoạn có địa hình vô cùng hiểm trở và khó khăn. Đội cứu hộ đã đặt sẵn hàng chục bình oxy dọc theo tuyến đường ra để các thợ lặn và nhóm 4 cậu bé cùng huấn luyện viên cuối cùng sử dụng trên đường ra khỏi hang.
Các cậu bé được giải cứu suốt hơn 2 tuần mắc kẹt trong hang Tham Luang có thể phải đối mặt với những chấn thương...