Rủi ro nước tràn đập Tam Hiệp, đe dọa 400 triệu người ở Trung Quốc
Mực nước tại đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đạt mức kỷ lục vào ngày 21.8, dấy lên rủi ro nước tràn đập, đe dọa 400 triệu người ở vùng hạ lưu.
Đập Tam Hiệp phải xả lũ có giới hạn để tránh gây ngập lụt nặng ở vùng hạ lưu.
Theo Nikkei, lưu lượng nước đổ về đập Tam Hiệp đã giảm 5% trong ngày 21.8. Nhưng nước vẫn đang dâng cao vì đập Tam Hiệp phải xả lũ ở mức hạn chế, tránh gây ngập lụt tồi tệ ở vùng hạ lưu.
Trong bối cảnh đợt mưa lớn sẽ xuất hiện trở lại ở lưu vực sông Dương Tử vào ngày 23.8, nhà chức trách Trung Quốc vẫn đang hết sức cảnh giác.
Vào mùa đông, mực nước ở đập Tam Hiệp được trữ lên tới 175 mét để đảm bảo phát điện và thuyền bè qua lại. Vào mùa hè, mực nước được giữ ở mức 145 mét để có thể kiểm soát lũ tốt hơn khi nước lũ đổ về. Mực nước tính đến hết ngày 21.8 ở đập Tam Hiệp là 166 mét, cao hơn mức ghi nhận vào buổi sáng.
Sức ép ngày càng gia tăng khi mực nước đang tiếp tục tăng, sắp chạm đến giới hạn an toàn. Các chuyên gia cảnh báo một khi nước tràn đập, hư hại bắt đầu xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ tạo thành hậu quả thảm khốc.
Một con đường ở Trùng Khánh bị ngập nặng.
Khi mực nước dâng cao trong trận lũ lụt hồi tháng trước, đơn vị vận hành đập Tam Hiệp trả lời trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, rằng không có nguy cơ con đập biến dạng hay sụp đổ.
Nhưng nếu điều đó xảy ra, trận đại hồng thủy sẽ gây ngập lụt nặng ở Thượng Hải và nhiều thành phố khác, đe dọa cuộc sống của hơn 400 triệu người ở vùng hạ lưu.
Sự lo lắng ngày càng gia tăng do mùa lũ năm nay Trung Quốc đã chứng kiến những hiện tượng bất thường. Lũ lụt ở miền trung và tây nam Trung Quốc đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán. Hồi đầu năm, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn tồi tệ do đại dịch Covid-19.
Đập Tam Hiệp cao 185 mét, rộng 2,3km, hồ chứa với trữ lượng 39,3 tỷ m3 nước, tạo ra lượng điện tương đương với 20 lò phản ứng hạt nhân tiêu chuẩn.
Mưa lũ đã gây ảnh hưởng nặng nề ở Trung Quốc kể từ tháng 6.
Tình trạng lũ lụt năm nay ở Trung Quốc không phải là thảm họa thiên nhiên đơn lẻ mà còn là sự kết hợp của một loạt các đợt lũ nhỏ hơn, gây thiệt hại rất lớn về người và của, theo New York Times.
Khi đến thăm tỉnh An Huy, địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai ở hạ lưu sông Dương Tử hồi đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi chính quyền và người dân tận dụng các kinh nghiệm quý báu sau hàng ngàn năm chống thảm họa thiên nhiên để ứng phó với mưa lũ.
Ông ví các nỗ lực cứu trợ thảm họa như “một cuộc sát hạch thực tế đối với hệ thống lãnh đạo và chỉ huy quân đội".
Giới quan sát nhận định, việc ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường đích thân thị sát công tác phòng chống thiên tai ở các khu vực bị ảnh hưởng đã nêu bật mức độ nghiêm trọng của mưa lũ.
Nguồn: [Link nguồn]
Mực nước tại đập thủy điện Tam Hiệp đã tăng 2 mét chỉ sau một đêm, lên mức 165,6 mét vào sáng ngày 21.8, theo Reuters.