Rơi máy bay quân sự Mỹ gần biên giới Mexico, toàn bộ 5 người thiệt mạng
Một máy bay quân sự của đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ có trụ sở ở Miramar, San Diego, ngày 8.6 rơi cách biên giới Mexico khoảng 48km.
MV-22 Osprey là mẫu máy bay quân sự gây tranh cãi của Mỹ vì thường xuyên xảy ra tai nạn chết người.
Theo Daily Mail, chiếc MV-22B Osprey gặp nạn ở hạt Imperial, bang California, gần tuyến đường cao tốc 78, cách biên giới Mexico 48km và cách San Diego về phía đông khoảng 240km.
“Chúng tôi xác nhận rằng một máy bay quân sự thuộc một đơn vị lính thủy đánh bộ đã rơi gần Glamis, bang California”, đại diện căn cứ hàng không hải quân El Centro của Mỹ cho biết. “Các lực lượng quân sự và dân sự đã có mặt tại hiện trường”.
Thông tin ban đầu cho biết, toàn bộ 5 người trên máy bay đã thiệt mạng. Lính thủy đánh bộ Mỹ bác bỏ thông tin trên máy bay có chứa “vật liệu hạt nhân”.
“Trái với các thông tin ban đầu, máy bay gặp nạn không chở theo vật liệu hạt nhân. Thông tin chi tiết sẽ được chúng tôi công bố sau”, đại diện căn cứ hàng không hải quân El Centro của Mỹ, nói.
Khu vực máy bay rơi gần biên giới Mexico.
Hình ảnh do truyền thông địa phương quay lại, cho thấy binh sĩ Mỹ tập trung tại khu vực hiện trường ở sa mạc, với các trực thăng quần thảo trên bầu trời.
MV-22B Osprey là máy bay vận tải quân sự do hãng Boeing sản xuất. Máy bay có thiết kế đặc biệt , vừa cất cánh như trực thăng, vừa có tầm bay và tốc độ tối đa như các máy bay quân sự.
“Với cánh quạt ở vị trí thẳng đứng, máy bay có thể cất cánh, hạ cánh và bay lơ lửng như một chiếc trực thăng”, Boeing cho biết. “Sau khi máy bay đạt độ cao cần thiết, hai cánh quạt hướng về phía trước để đạt tốc độ cao nhất”.
Kể từ khi cất cánh lần đầu tiên năm 1989, MV-22B Osprey là tâm điểm chỉ trích vì hoạt động kém an toàn. Trong hơn 30 năm, mẫu máy bay này rơi 10 lần, khiến 46 người chết.
Gần đây nhất là sự cố với một chiếc MV-22B Osrey trong cuộc tập trận của NATO ở Na Uy, khiến 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Nguồn: [Link nguồn]
Một chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet của hải quân Mỹ rơi ở sa mạc Mohave, phía nam bang California ngày 3.6.