Robot sắp được trao quyền con người ở châu Âu?
Một bản báo cáo gần đây đệ lên Nghị viện châu Âu cho rằng robot cần được trao “trạng thái con người” để đảm bảo quyền và trách nhiệm.
Một bản báo cáo gần đây ở Nghị viện châu Âu đang đề xuất trao "trạng thái con người" cho robot
Nghị viện châu Âu vừa kêu gọi soạn thảo một bộ quy định để quản lý việc sử dụng và tạo ra robot và trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm một "trạng thái con người điện tử" để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm cho AI.
Trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 17/2, với hai phiếu trắng, Ủy ban các vấn đề pháp lý của nghị viện châu Âu đã thông qua bản báo cáo vạch ra dàn ý của bộ quy định.
"Ngày càng có nhiều lĩnh vực trong đời sống hàng ngày của chúng ta bị ảnh hưởng bởi robot", tác giả của bản báo cáo, Nghị sĩ Mady Delvaux nói. "Để giải quyết thực tế này và để đảm bảo robot đang và sẽ tiếp tục phục vụ con người, chúng ta cần khẩn trương tạo ra một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ của châu Âu".
Trạng thái pháp lý được đề xuất cho robot sẽ tương tự với trạng thái pháp lý của các doanh nghiệp. Trạng thái này cho phép các doanh nghiệp tham gia vào các vụ án pháp lý với tư cách là cả nguyên đơn và bị đơn.
Delvaux nói: "Những gì chúng ta cần bây giờ là tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho các robot hiện đang có trên thị trường hoặc sẵn có trong 10-15 năm tới."
Theo các chuyên gia, đề xuất này có thể cực kỳ gây tranh cãi
Ashley Morgan, làm việc tại công ty luật quốc tế Osborne Clarke, nói rằng đề xuất này sẽ là "cực kỳ gây tranh cãi."
"Người ta có thể lập luận rằng việc này đồng nghĩa với cấp nhân quyền cho robot. Điều này không hề dễ dàng với các công ty sản xuất robot và AI”, ông nói với Guardian.
"Nếu tôi tạo ra một con robot và con robot tạo ra một cái gì đó mà có thể được cấp bằng sáng chế, tôi hay con robot kia sẽ sở hữu bằng sáng chế? Nếu tôi bán con robot, sản phẩm nó tạo ra có buộc phải bán theo? Đó là những câu hỏi không dễ để trả lời và sẽ đi thẳng vào trọng tâm của cuộc tranh luận này”, Morgan nói thêm.
Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu về đề xuất dự thảo trong tháng 2 tới và cần sự chấp thuận của đa số tuyệt đối để được thông qua.