Reuters: Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận làm chuyện "không đẹp" với vắc xin Covid-19 Trung Quốc

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch bí mật nhằm “hạ thấp uy tín” của vắc xin Trung Quốc trên khắp châu Á và Trung Đông.

Vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất (ảnh: Hoàn cầu)

Vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất (ảnh: Hoàn cầu)

Lầu Năm Góc đã tạo ra hàng trăm tài khoản mạng xã hội để lan truyền thuyết âm mưu rằng vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất là “kém chất lượng”, Reuters đưa tin hôm 27/7.

“Đúng là Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi thông điệp đến công chúng Philippines để nêu nghi ngờ về tính an toàn và độ hiệu quả của vắc xin Sinovac”, Reuters giải mật một bức thư đề ngày 25/6, do Bộ Quốc phòng Mỹ gửi tới các đồng nghiệp ở Philippines.

Trong bức thư, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận họ đã “mắc một số sai lầm khi đưa ra thông điệp liên quan đến Covid-19”. Tuy nhiên, cơ quan này bảo đảm với Philippines rằng, quân đội Mỹ “đã cải thiện đáng kể khả năng giám sát thông tin và trách nhiệm giải trình”.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu kế hoạch “bôi nhọ” vắc xin Trung Quốc vào năm 2020, sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ gửi miễn phí vắc xin Sinovac sang Philippines.

Trong nỗ lực cản trở Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng ở Philippines, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh mở ít nhất 300 tài khoản mạng xã hội, tập trung đăng tải các thông điệp hạ thấp giá trị của vắc xin Sinovac.

“Covid đến từ Trung Quốc và vắc xin cũng đến từ họ. Đừng tin tưởng Trung Quốc” – theo Reuters, đây là nội dung chủ yếu mà các tài khoản mạng xã hội do Bộ Quốc phòng Mỹ “giật dây”, đăng tải.

Một số quan chức Mỹ tham gia chiến dịch “bôi nhọ” cho biết, mục tiêu của họ không phải bảo vệ người dân Philippines khỏi loại vắc xin “kém an toàn”, mà là “hạ thấp Trung Quốc”.

Theo Reuters, chiến dịch tuyên truyền của Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng lan ra ngoài lãnh thổ Philippines.

Giữa năm 2021, ở khu vực Trung Á và Trung Đông, có tin đồn rằng vắc xin Sinovac chứa “thành phần từ lợn”. Do đó, những người theo đạo Hồi (vốn kiêng thịt lợn), không thể sử dụng loại vắc xin này.

Công ty dược phẩm Sinovac Biotech (Trung Quốc) sau đó phải đưa ra tuyên bố khẳng định mũi tiêm Sinovac “không chứa thành phần từ lợn”.

Trong bức thư đề ngày 25/6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ đã “ngừng chiến dịch tuyên truyền” liên quan đến nguồn gốc virus Corona và vắc xin Covid-19 vào tháng 8/2021, theo Reuters.

Lầu Năm Góc, Trung Quốc chưa bình luận về thông tin từ Reuters.

Chính phủ Mỹ và Philippines từ chối trả lời câu hỏi của Reuters về bức thư ngày 25/6.

Bộ Quốc phòng Mỹ thao túng thông tin, cố ý “bôi nhọ” vắc xin Trung Quốc, theo Reuters (ảnh: Centom)

Bộ Quốc phòng Mỹ thao túng thông tin, cố ý “bôi nhọ” vắc xin Trung Quốc, theo Reuters (ảnh: Centom)

Tháng trước, một quan chức Lầu Năm Góc (giấu tên) nói với Reuters rằng, quân đội Mỹ sử dụng nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả mạng xã hội, để đối phó với các hành động nhằm công kích Washington.

Về chiến dịch “bôi nhọ vắc xin Sinovac”, quan chức này cho hay, Mỹ chỉ đang đáp trả khi Trung Quốc tìm cách “đổ lỗi” cho Mỹ về sự lây lan của virus.

Tại Philippines, ông Imee Marcos – lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines – đã kêu gọi giới chức nước này điều tra và cân nhắc hành động pháp lý với Washington.

Ông Marcos gọi chiến dịch của Bộ Quốc phòng Mỹ là “xấu xa, nguy hiểm và phi đạo đức”.

Trong một thông cáo gửi đến báo giới Trung Quốc, đại diện của công ty Sinovac Biotech đã chỉ trích gay gắt Bộ Quốc phòng Mỹ:

“Chiến dịch bôi nhọ tiêm chủng sẽ dẫn đến một loạt hậu quả, chẳng hạn như tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn, dịch bệnh bùng phát và lây lan, hoảng loạn, bất an trong xã đội. Đặc biệt là khủng hoảng niềm tin vào khoa học và sức khỏe cộng đồng”.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ lo ngại về diễn biến mới khi các máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc cùng hoạt động trong không phận quốc tế gần bờ biển Alaska.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Quốc – Reuters, RT ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN