FIFA đổi bóng dùng trong 4 trận đấu cuối căng thẳng nhất của World Cup

Quả bóng mới Al Hilm (nghĩa là “giấc mơ” trong tiếng Ả Rập) sẽ được sử dụng trong 2 trận bán kết, trận chung kết và trận tranh hạng ba của World Cup 2022.

Thủ thành Emiliano Martínez của Argentina cùng quả bóng mới Al Hilm

Thủ thành Emiliano Martínez của Argentina cùng quả bóng mới Al Hilm

FIFA hôm 11/12 đã xác nhận quả bóng Al Hilm sẽ được sử dụng trong 4 trận đấu cuối cùng của World Cup 2022. Al Hilm có thiết kế màu vàng với hoa văn đặc trưng, khác với quả bóng Al Rihla (nghĩa là “cuộc hành trình” theo tiếng Ả Rập) được sử dụng từ đầu giải đấu.

Vòng bán kết World Cup sẽ diễn ra trong tuần này với 2 cặp đấu Croatia – Argentina và Pháp – Morocco. Hai đội thắng vòng bán kết sẽ bước vào trận chung kết. Hai đội thua sẽ tranh hạng 3.

Theo FIFA, quả bóng Al Hilm có thiết kế nền vàng và hoa văn hình tam giác lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của những sa mạc ở nước chủ nhà Qatar. Hoa văn trên thân bóng cũng có nét tương đồng với màu sắc và hoa văn trên quốc kỳ Qatar.

Bóng Al Hilm đặt cạnh cúp vàng World Cup (ảnh: Aljazeera)

Bóng Al Hilm đặt cạnh cúp vàng World Cup (ảnh: Aljazeera)

Quốc kỳ Qatar có tên là “Al Adaam”, tạm dịch là “dành cho tất cả người Qatar”. Trên quốc kỳ Qatar có màu trắng, nâu đỏ với điểm nhấn là đường răng cưa với 9 đỉnh nhọn phân đôi 2 màu lá cờ.

Theo Aljazeera, quốc kỳ Qatar được thiết kế từ tháng 8/1929, nhưng mãi tới khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Anh vào ngày 3/9/1971, lá cờ mới chính thức được sử dụng.

“Al Hilm là ngọn hải đăng, soi tỏ sức mạnh gắn kết thế giới của bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Hàng triệu người trên thế giới có thể đoàn kết nhờ tình yêu bóng đá. Chúng tôi xin gửi lời chúc may mắn tới các đội bóng đã bước vào giai đoạn cuối của giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh”, Nick Craggs – giám đốc điều hành sản xuất bóng đá của Adidas – giới thiệu về quả bóng Al Hilm.

Về công nghệ, quả bóng Al Hilm vẫn được tích hợp một cảm biến bên trong để đo dữ liệu về tốc độ, hướng di chuyển của trái bóng trong trận đấu. Thiết bị này được tích hợp cùng công nghệ VAR để bắt lỗi việt vị bán tự động. Bóng Al Rihla cũng có công nghệ này.

Bức ảnh quả bóng Al Rihla cắm sạc từng gây xôn xao mạng xã hội thời điểm đầu giải đấu. (Ảnh: Reddit)

Bức ảnh quả bóng Al Rihla cắm sạc từng gây xôn xao mạng xã hội thời điểm đầu giải đấu. (Ảnh: Reddit)

Lần đầu ra mắt tại World Cup, công nghệ cảm biến trong quả bóng Al Rihla đã gây tranh cãi khi hỗ trợ các trọng tài VAR xác định rằng, bóng chưa hoàn toàn đi ra ngoài sân trong một tình huống của trận đội tuyển Nhật Bản gặp Tây Ban Nha (hôm 2/12). Các trọng tài sau đó đã công nhận bàn thắng xuất phát từ tình huống này của cầu thủ Ao Tanaka là hợp lệ, giúp Nhật Bản thắng Tây Ban Nha với tỷ số 2 – 1.

Thiết bị cảm biến cũng xác định cầu thủ Ronaldo của đội tuyển Bồ Đào Nha không đánh đầu ghi bàn trong trận gặp Uruguay (29/11), do chưa chạm vào bóng. Tác giả của bàn thắng được xác định là cầu thủ Bruno Fernandes – người đã tạt bóng vào khung thành.

Khoảng 1 triệu quả bóng là mô hình của Al Rihla được sản xuất ở Indonesia đã được bán tới Brazil, Anh, Mỹ, Đức, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, theo Aljazeera.

Nguồn: [Link nguồn]

Morocco ở châu Phi, vì sao cầu thủ và cổ động viên phần nhiều trông như người Châu Âu?

Nếu không biết về Morocco, nhiều người có thể nhầm rằng họ đang xem một đội tuyển châu Âu thi đấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Aljazeera ([Tên nguồn])
World Cup 2026 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN