Ra điều trần vụ Afghanistan, ngoại trưởng Mỹ nhiều lần gọi tên ông Trump

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 13-9 bảo vệ quyết định việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cũng như việc cơ quan của ông xử lý sứ mệnh sơ tán hỗn loạn.

Tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện hôm 13-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đáp trả những lời chỉ trích về việc rút quân khỏi Afghanistan. Đồng thời, ông bác bỏ cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ đáng lẽ có thể làm nhiều hơn để giúp công dân Mỹ và người Afghanistan sơ tán.

Ông Blinken quy trách nhiệm cho chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vì thiếu chuẩn bị và không có kế hoạch rút quân cụ thể. Ông Blinken nhiều lần lưu ý rằng tổng thống tiền nhiệm đã đàm phán thỏa thuận rút quân với Taliban và cho biết chính quyền Tổng thống Biden không cân nhắc việc đàm phán lại vì mối đe dọa từ nhóm này đối với người Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 13-9 điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Ảnh: Fox News

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 13-9 điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Ảnh: Fox News

Ngoại trưởng Blinken khẳng định: "Không tồn tại bằng chứng nào cho thấy việc quân đội Mỹ ở lại lâu hơn sẽ giúp lực lượng an ninh Afghanistan hoặc chính phủ Afghanistan trở nên kiên cường hoặc độc lập hơn. Chính quyền cũ để lại cho chúng tôi thời hạn để rút quân song chúng tôi không nhận được kế hoạch nào cả".

Sau điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Blinken sẽ trình diện Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày 14-9. Ông là quan chức đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden điều trần công khai trước các nhà lập pháp Mỹ kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan.

Theo hãng tin Reuters, các đại diện đảng Cộng hòa đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt tại phiên điều trần. Hạ nghị sĩ Michael McCaul phát biểu: "Người Mỹ không thích thua cuộc, đặc biệt là không muốn thua những tên khủng bố nhưng đây chính xác là những gì đã xảy ra".

Ông McCaul thắc mắc tại sao các tài sản như Căn cứ Không quân Bagram không được duy trì và tại sao chính quyền không đạt được các thỏa thuận giám sát và chống khủng bố với các nước láng giềng. 

Theo ông McCaul, "vị thế của Mỹ trên trường thế giới đã bị giảm sút đáng kể", và cáo buộc ông Blinken "phản bội" ​​các đồng minh Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ trình diện Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày 14-9. Ảnh: Politico

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ trình diện Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày 14-9. Ảnh: Politico

Các thành viên Quốc hội đã đặt ra một danh sách dài các câu hỏi về sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn và chiến dịch sơ tán 124.000 người do chính quyền ông Biden thực hiện.

Các đảng viên Dân chủ bày tỏ quan ngại về việc người Mỹ và những người Afghanistan đang gặp rủi ro vẫn ở Afghanistan. Tuy nhiên, họ ủng hộ quyết định rút quân sau hai thập kỷ can thiệp vào Afghanistan. 

Hạ nghị sĩ Gregory Meeks, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết: "Tôi rất hoan nghênh việc rút quân suôn sẻ khỏi một cuộc chiến hỗn loạn kéo dài 20 năm".

Ngoại trưởng Blinken ca ngợi chiến dịch sơ tán là "một nỗ lực anh hùng" của các nhà ngoại giao, quân đội và sĩ quan tình báo. Ông cam kết Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Afghanistan thông qua các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc chứ không phải Taliban.

Tuy nhiên, ông từ chối cho biết liệu chính phủ Mỹ có thể sơ tán hàng ngàn đồng minh Afghanistan đã xin thị thực và những người có nguy cơ bị Taliban trả thù hay không.

Nguồn: [Link nguồn]

Quân Mỹ ”choáng” khi lần đầu giao tranh trực tiếp với Taliban và al-Qaeda

Chiến dịch Anaconda là lần đầu tiên quân đội Mỹ giao tranh trên thực địa với Taliban và al-Qaeda trong giai đoạn đầu của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Bình ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN