Kế hoạch phi thường của Phần Lan: Hút nước biển lạnh để sưởi ấm cho thủ đô
Để không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Phần Lan đang tìm cách khai thác một nguồn tài nguyên rất dồi dào để sưởi ấm.
Tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, một nhà máy nhiệt điện than sẽ sớm bị đóng cửa và thay thế bằng một cơ sở khai thác năng lượng từ nước biển. Ảnh: Helen Oy
Hãng Bloomberg ngày 18/10 đưa tin, thủ đô Helsinki của Phần Lan đang tham gia vào cuộc đua tìm nguồn năng lượng mới ở châu Âu và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu bằng một hệ thống sưởi ấm mới, không thải ra CO2.
Helen Oy, công ty cung cấp điện cho Helsinki, sẽ hợp tác với 2 đối tác khác để xây dựng một đường hầm lấy nước từ đáy biển Baltic. Bằng cách xử lý nước thông qua các máy bơm nhiệt dưới lòng đất, hệ thống đường hầm này có thể tạo ra đủ nhiệt để phục vụ 40% nhu cầu ở thủ đô của Phần Lan.
Hiện tại, hầu hết các ngôi nhà ở Helsinki đều được sưởi ấm thông qua hệ thống sưởi khu vực sử dụng than và khí đốt tự nhiên để sản xuất điện và nhiệt.
Dự án sưởi ấm nhờ nước biển được coi là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Helsinki nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030 - một thách thức đối với thành phố có khí hậu lạnh và nhu cầu sưởi ấm lớn như thủ đô của Phần Lan.
Công ty Helen sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho các máy bơm nhiệt của hệ thống mới.
Dự án trị giá 400 triệu euro (390 triệu USD) đang trong giai đoạn phát triển, dự kiến sẽ mất 2 năm. Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng sau đó sẽ mất 5 năm nữa, trước khi hệ thống công suất 500 megawatt sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Hệ thống ở Helsinki sẽ trở thành hệ thống sưởi lớn nhất thế giới, theo Fernando Vara, người chỉ đạo phát triển kinh doanh đường hầm và đường sắt cho Acciona - một trong hai đối tác của công ty Helen. Đó là một “dự án độc đáo” đang được phát triển “trong một thời điểm rất nhạy cảm,” ông Vara trả lời phỏng vấn.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và quyết định cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến chi phí nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu tăng mạnh và EU đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài. Theo ông Vara vấn đề này sẽ được giải quyết với hệ thống sưởi mới vì nguồn nước biển về cơ bản không bị giới hạn và hoàn toàn miễn phí.
Để xây dựng hệ thống sưởi, công ty Acciona (Tây Ban Nha) sẽ sử dụng một máy khoan để khoan một đường hầm dưới biển dài 17km ở biển Baltic. Đường hầm này sẽ lấy và chứa nước ở nhiệt độ không đổi 2 độ C - ngay cả trong những tháng lạnh hơn, khi mặt biển bị đóng băng.
Sau đó, nước sẽ được xử lý bằng các máy bơm nhiệt dưới lòng đất mà Helen có kế hoạch xây dựng tại một trong những nhà máy nhiệt điện đốt than của công ty này, Jaakko Tiittanen - người giúp quản lý các dự án lớn tại Helen - cho biết. Nhà máy nhiệt điện đốt than sẽ đóng cửa vào năm 2024.
Các bộ trao đổi nhiệt sẽ lấy khoảng 1,5 độ C từ nước biển, sau đó sẽ đưa nước biển về lại môi trường thông qua một đường hầm dài 9 km. Năng lượng thu được từ nước biển sau đó sẽ được xử lý thông qua quy trình bơm nhiệt, để đạt nhiệt độ từ 80 đến 95 độ C - đủ nóng để sử dụng cho mạng lưới sưởi ấm khu vực của Helsinki, ông Tiittanen cho hay.
Người quản lý các dự án lớn của công ty Helen nói thêm rằng, mức nhiệt độ mà máy bơm nhiệt sinh ra có thể so sánh với mức nhiệt độ của các hệ thống địa nhiệt hiện có.
Vào mùa hè, các máy bơm nhiệt cũng có thể được sử dụng để lấy năng lượng từ nước biển lạnh để phục vụ cho việc làm mát ở Helsinki.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ đang bán khí đốt cho châu Âu với giá đắt gấp 4 lần giá bán trong nước, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết.