Quyết định đưa ông Tập Cận Bình nắm toàn bộ lực lượng vũ trang TQ

Quyết định mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 chính thức đưa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm toàn bộ lực lượng vũ trang, bao gồm cả quân đội và cảnh sát.

Quyết định đưa ông Tập Cận Bình nắm toàn bộ lực lượng vũ trang TQ - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là người duy nhất nắm quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát vũ trang.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc sẽ đưa lực lượng cảnh sát vũ trang nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương kể từ nửa đêm ngày 1.1.2018.

Kể từ khi lên nắm quyền 5 năm trước, ông Tập tăng cường hiện đại hóa quân đội theo hướng tăng chất lượng, giảm số lượng và đầu tư vào các trang thiết bị vũ khí hiện đại.

Lực lượng cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ khi trải qua sự thay đổi lớn vào năm 2014, đánh dấu sự xuất hiện của các tướng lĩnh quân đội trong hàng ngũ chỉ huy. Wang Ning, đồng minh thân cận của ông Tập là người lãnh đạo cảnh sát vũ trang, dù trước đây ông Wang không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc là lực lượng lên tới 1,5 triệu người, có trách nhiệm tuần tra biên giới, chống khủng bố, chữa cháy, cũng như duy trì ổn định trong nước và các nhiệm vụ khác. Trong thời chiến, lực lượng này đóng vai trò giống như quân dự bị cho lực lượng quân đội chính quy.

Lực lượng này hiện nằm dưới sự quản lý của cả Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương -  cơ quan lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các lực lượng vũ trang. Với quyết định mới, cảnh sát vũ trang Trung Quốc sẽ không còn do Quốc vụ viện lãnh đạo.

Tân Hoa Xã không cho biết lý do dẫn đến sự thay đổi này. Bài bình luận trên People's Daily nói rằng đây là đổi mới lớn "tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với lực lượng vũ trang, đảm bảo hòa bình lâu dài, sự ổn định của đảng và đất nước".

Quyết định đưa ông Tập Cận Bình nắm toàn bộ lực lượng vũ trang TQ - 2

Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc có quân số khoảng 1,5 triệu người.

Động thái này khiến cảnh sát vũ trang nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, động thái thay đổi này đồng nghĩa rằng ông Tập nắm toàn quyền chỉ huy toàn bộ lực lượng quân sự của Trung Quốc.

“Lý do chính theo quan điểm của tôi là nhằm đưa toàn quyền chỉ huy quân đội, cảnh sát vào tay ông Tập”, nhà phân tích Hong Kong Johnny Lau Yui-siu nhận định.

Zeng Zhiping, chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, sự thay đổi này là hoàn toàn phù hợp. “Hiến pháp Trung Quốc nói Quân ủy Trung ương nắm quyền lãnh đạo toàn bộ lực lượng vũ trang của đất nước, do đó việc đưa cảnh sát vũ trang trực thuộc CMC là điều hợp lý”.

Giới phân tích cho rằng, ông Tập đang thay thế mô hình lãnh đạo lực lượng vũ trang từ thời Liên Xô để giúp phản ứng nhanh hơn trong bất kỳ tình huống nào, dù là ở quê nhà hay nước ngoài.

Quân đội Trung Quốc không tham gia bất kỳ một cuộc chiến nào trong hàng thập kỷ qua, nhưng đối mặt với nhiều thách thức của thời đại mới, bao gồm vấn đề hạt nhân Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Đông và vấn đề với vùng lãnh thổ Đài Loan.

Ông Tập Cận Bình làm được những gì sau 5 năm cầm quyền?

Nhiều người đánh giá, tầm ảnh hưởng của ông Tập hiện nay có thể sánh ngang với lãnh tụ Mao Trạch Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tập Cận Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN