Quyền lực “nghiêng trời” của cơ quan bắt giữ Chủ tịch Interpol ở TQ
Cơ quan này được xếp hạng cao hơn cả Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, có quyền bắt cả những người chựa bị cáo buộc hay khởi tố.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc bất ngờ thông báo rằng nước này đã bắt giữ chủ tịch Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, người cũng nắm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Thông báo được đăng tải trực tuyến bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan giám sát về tham nhũng và bất trung trong chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
CCDI thêm rằng ông Mạnh đang bị điều tra hành vi “vi phạm pháp luật” bởi Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc (NSC). Vài ngày sau, Bộ Công An tiết lộ ông Mạnh bị nghi nhận hối lộ.
Theo tờ SCMP, NSC là cơ quan giám sát được chính thức thành lập vào tháng 3 năm nay. Về cơ bản, NSC giống CCDI nhưng có quyền lực rộng lớn hơn và vai trò rõ ràng hơn.
Nếu như CCDI chỉ giám sát hành vi sai trái của 90 triệu thành viên trong đảng Cộng sản Trung Quốc, NSC theo dõi cả các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước, bệnh viện, tổ chức giáo dục và văn hóa, tổ chức thể thao, chính quyền địa phương, viện nghiên cứu.
Nói cách khác, trong khi CCDI chỉ có quyền thẩm vấn, bắt giữ người trong đảng; NSC có quyền tương tự với mọi quan chức trung ương và địa phương.
Đặc biệt, NSC xếp hạng cao hơn cả Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc. Cơ quan này cũng được phép đóng băng tài sản, lục soát nhà của người bị bắt giữ.
NSC có mục tiêu "nâng cao khả năng lãnh đạo của đảng trong các chiến dịch chống tham nhũng", một quan chức cấp cao Trung Quốc tuyên bố hồi tháng 3.
"Trước tình hình khó khăn và phức tạp, các cơ quan giám sát hiện tại của chúng tôi rõ ràng không thể đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến chống tham nhũng và chiến dịch làm trong sạch đảng", quan chức này nói.
NSC có nhiều quyền lực giống CCDI, nổi bật nhất là giam giữ người lên tới 6 tháng, kể cả những người chưa bị cáo buộc hay khởi tố.
Cơ quan này cũng không cần báo cho gia đình người bị bắt nếu điều này cản trở quá trình điều tra và không cho phép người bị bắt thuê luật sư. Quy định này đã và đang gây tranh cãi trong giới luật quốc tế, những người lo ngại về nguy cơ lạm dụng quyền lực.
Việc bắt giữ ông Meng là động thái táo bạo của Trung Quốc, tờ New York Times nhận định.