Quyền lực ghê gớm của lãnh chúa Afghanistan

Sự kiện: Tin tức Afghanistan

Khả năng phục hồi của các lãnh chúa Afghanistan cùng vai trò của họ ở nước này thời hậu NATO là điều đáng quan tâm bất chấp tình hình bất ổn ra sao.

Tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan sẽ hoàn tất vào dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công 11-9-2001 vào New York và Washington D.C. 

Trong vòng 2 tháng kể từ thông báo này, Taliban đã tăng cường các cuộc tấn công chống lại lực lượng chính phủ Afghanistan và chiếm được hơn 100 quận/huyện. Điều này khiến Nguyên soái Abdul Rashid Dostum, lãnh chúa khét tiếng ở miền Bắc Afghanistan, phản ứng. Ngày 27-6-2021, ông Dostum cam kết trở về tỉnh Jowzjan, quê hương của mình, để lãnh đạo cuộc chiến chống lại Taliban.

Trong thời gian làm phó tổng thống (từ năm 2014 đến năm 2020), ông Dostum hai lần chủ động điều phối cuộc chiến ở miền Bắc Afghanistan, biến cung điện Jowzjan của mình thành trung tâm chỉ huy, gây lo ngại cho cả Afghanistan lẫn phương Tây.

Khi đó, ông Dostum là quan chức cấp cao thứ hai của Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan nhưng hiện không giữ vị trí chính thức nào trong chính phủ.

Ông Dostum vẫy tay với đám đông trong cuộc vận động ở thủ đô Kabul ngày 6-10-2004. Ảnh: Flickr

Ông Dostum vẫy tay với đám đông trong cuộc vận động ở thủ đô Kabul ngày 6-10-2004. Ảnh: Flickr

Những nhân vật như ông Dostum đại diện cho các hình thức quyền lực thay thế phù hợp với các hoàn cảnh nhất định (đôi khi phù hợp hơn các nhà nước) và liên tục thích ứng với môi trường mới.

Khả năng phục hồi của họ trong 4 thập kỷ qua cho thấy các lãnh chúa vẫn tồn tại bất kể tình hình bất ổn của Afghanistan. Vậy những nhân vật như ông Dostum đóng vai trò gì thời hậu NATO? Làm cách nào họ thích ứng được với sự thay đổi trong môi trường chính trị - quân sự? 

"Con buôn chính trị"

Các lãnh chúa Afghanistan được xem là những "con buôn chính trị" với khả năng kiểm soát lãnh thổ. Họ sử dụng và chuyển đổi quyền lực trên các lĩnh vực khác nhau (tư tưởng, kinh tế, quân sự, xã hội và chính trị), ở những cấp độ chính trị khác nhau (địa phương, quốc gia và quốc tế). Họ vẫn tồn tại - trong và sau chiến tranh - nhờ vai trò trên của mình. 

Chẳng những có ảnh hưởng trong hệ thống chính trị - ví dụ như khi trở thành phó tổng thống thứ nhất - mà các lãnh chúa còn nắm giữ quyền lực vượt xa sức mạnh quân sự đơn thuần. Đặc biệt, họ tồn tại rất lâu sau thời điểm không chỉ huy một lực lượng đáng tin cậy nào nữa.

Thêm vào đó, các lãnh chúa định hình sự thay đổi và công cụ hóa những gì phương Tây coi là bất ổn xã hội để đảm bảo sự tồn tại của mình trong một môi trường chính trị đang thay đổi.

Hình ảnh thủ lĩnh phiến quân Ahmad Shah Massoud ở Afghanistan năm 2013. Ảnh: Flickr

Hình ảnh thủ lĩnh phiến quân Ahmad Shah Massoud ở Afghanistan năm 2013. Ảnh: Flickr

Để hiểu được khả năng phục hồi của các lãnh chúa, hãy quay trở lại thời kỳ đầu xảy ra các cuộc chiến ở Afghanistan. Sau khi lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính tháng 4-1978, Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) sớm phải đối mặt với làn sóng nổi dậy trên khắp cả nước. 

Tháng 12-1979, Liên Xô tìm cách cứu chế độ Afghanistan thông qua can thiệp quân sự. Một phong trào phản kháng nhanh chóng bùng nổ xoay quanh một số đảng phái chính trị và các nhà lãnh đạo đảng sống lưu vong ở Iran và Pakistan.

Chính những chỉ huy này và những người đồng cấp thân chính phủ, chẳng hạn như ông Dostum, sau này tham gia vào chính trị những năm 1990. Họ từng bước thiết lập quyền kiểm soát trên khắp các khu vực trong khi tăng cường quyền tự chủ đối với đảng của mình hoặc (trong trường hợp các thủ lĩnh dân quân ủng hộ chính phủ) đối với nhà nước trung ương.

Bị Taliban hất chân

Ngày 14-4-1988, Hiệp định Geneva dẫn đến quân đội Liên Xô rút toàn bộ khỏi Afghanistan (hoàn tất vào tháng 2 năm sau). Trái ngược với dự đoán, chế độ PDPA vẫn tồn tại hơn 3 năm sau khi những người lính Liên Xô cuối cùng rời khỏi và chỉ sụp đổ vào tháng 4-1992, vài tháng kể từ lúc Moscow cắt đứt tất cả nguồn cung cấp do Liên Xô tan rã vào tháng 12-1991. 

Các lãnh chúa và cựu chỉ huy thân chính phủ như ông Dostum sau đó nắm quyền kiểm soát Kabul. Thủ đô của Afghanistan nhanh chóng trở thành nơi diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội và các liên minh luôn thay đổi. Một số chỉ huy chiếm được cơ sở hạ tầng còn sót lại của chính phủ. Những người khác tập trung vào việc mở rộng vùng ảnh hưởng của họ ở các tỉnh.

Tình trạng này dẫn đến sự tập trung quyền lực ngày càng tăng và sự xuất hiện các khu vực do các lãnh chúa điều hành. Họ bắt đầu tự cai trị các vùng lãnh thổ quan trọng ở Afghanistan. Các lãnh chúa cũng thiết lập khả năng tiếp cận vốn (thông qua các mạng lưới bảo trợ quốc tế) để tiến hành chiến tranh hiệu quả hơn, đánh bại đối thủ và mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ. 

Họ duy trì hệ thống hành chính, trường học và bệnh viện giống như nhà nước cho đến khi bị Taliban đánh bật khỏi thành trì của mình. Một số sống lưu vong nhiều năm, trong khi những người khác tham gia Mặt trận Hồi giáo thống nhất cứu nguy Afghanistan, lực lượng kháng chiến chống Taliban (còn gọi là Liên minh phương Bắc). Mặt trận này hoạt động từ Tajikistan và Đông Bắc Afghanistan - khu vực duy nhất trong nước chưa bị Taliban kiểm soát. 

Bắt tay với Mỹ

Mọi thứ lại thay đổi với sự can thiệp do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001. Các nhóm đặc nhiệm Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được cử đến Afghanistan ngay sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 để kết nối với các chỉ huy chính của Liên minh phương Bắc. Các lực lượng hoạt động đặc biệt nhanh chóng theo sau để phối hợp yểm trợ trên không, còn các thành viên của Liên minh Phương Bắc làm nhiệm vụ trên mặt đất. 

Chiến dịch của Washington nhằm lật đổ Taliban là một thành công quân sự to lớn. Trong vòng vài tuần, Taliban bị trục xuất khỏi các thành phố quan trọng trên khắp Afghanistan, bao gồm cả thủ đô Kabul.

Các lãnh chúa (hoặc đại diện của họ) sau đó được mời tham dự Hội nghị quốc tế về Afghanistan được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc tại Bonn - Đức vào cuối năm 2001 để quyết định tương lai chính trị của đất nước. 

Ông Karzai được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời Afghanistan. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Ông Karzai được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời Afghanistan. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Ông Hamid Karzai, thủ lĩnh bộ lạc ở miền Nam Afghanistan, được bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời. Một phái đoàn quân sự do NATO lãnh đạo - gọi là Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) - được triển khai tới Afghanistan.

Việc cung cấp nguồn lực đi kèm với sự can thiệp của Mỹ cùng với sự sụp đổ của Taliban cho phép các lãnh chúa cải tổ các chính thể cũ của họ ở các tỉnh và hợp tác với lực lượng hoạt động đặc biệt của Mỹ. 

Do Washington tập trung vào sự ổn định ngắn hạn và "Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu" trong những năm đầu can thiệp nên đã khuyến khích các lãnh chúa lấp đầy khoảng trống an ninh do thất bại của Taliban để lại, đặc biệt là khi ISAF ban đầu chỉ giới hạn trong việc bảo vệ Kabul.

Không có một đội quân nào trong tay (không giống như các lãnh chúa), Tổng thống Karzai có rất ít lựa chọn ngoài việc thừa nhận quyền lực của các lãnh chúa thay vì thách thức họ. Ví dụ, ông bổ nhiệm các lãnh chúa làm thống đốc ở các tỉnh mà họ kiểm soát.

Luật chơi mới

Năm 2004, khi hầu hết thành viên trong chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush tin rằng chiến thắng trước Taliban sẽ được bảo đảm, các lãnh chúa sớm bị coi là không phù hợp với tình trạng mà cộng đồng quốc tế đang cố gắng xây dựng. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây bắt đầu áp đặt những quy tắc mà cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad - người sau này giám sát thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban tháng 2-2020 - gọi là luật chơi mới. 

Lính Mỹ bắt tay một người lớn tuổi ở ngôi làng Mirsaleh thuộc tỉnh Logar của Afghanistan ngày 6-6-2010. Ảnh: Flickr

Lính Mỹ bắt tay một người lớn tuổi ở ngôi làng Mirsaleh thuộc tỉnh Logar của Afghanistan ngày 6-6-2010. Ảnh: Flickr

Những quy tắc đó nhằm củng cố quyền lực của chính phủ Afghanistan trong khi tước quyền kiểm soát lãnh thổ của các lãnh chúa. Quá trình tập trung hóa nhà nước kết hợp với các chương trình giải trừ quân bị, xuất ngũ, tái hòa nhập, cải cách an ninh và nỗ lực chung thiết lập cái gọi là quản trị tốt đã buộc các lãnh chúa từ bỏ quyền lực quân sự (và quyền kiểm soát lãnh thổ).

Họ không còn cách nào khác ngoài việc trở nên kín đáo hơn, dựa vào các nguồn lực để thích nghi với môi trường mới như lấy đất đai trước đây thu được đầu tư vào phát triển bất động sản, từ đó chuyển đổi sức mạnh quân sự thành sức mạnh kinh tế. 

Các lãnh chúa cũng phải thay đổi bằng cách trở thành doanh nhân, bộ trưởng hoặc thống đốc, luôn duy trì khả năng "thay đổi hình dạng" và sử dụng vũ khí nếu cần.

Tình hình bắt đầu thay đổi một lần nữa vào đêm trước cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan năm 2009. Căng thẳng giữa ông Karzai và cộng đồng quốc tế khiến vị tổng thống này kêu gọi sự ủng hộ của các lãnh chúa chính. Đến lượt mình, các lãnh chúa này lại lợi dụng các chương trình nghị sự xung đột của các bên trong và ngoài nước để thúc đẩy lợi ích của họ. 

Với ảnh hưởng ngày càng tăng của Taliban và kế hoạch rút khỏi Afghanistan của quân đội Mỹ (dự kiến ​​ban đầu vào năm 2014), các động lực chính trị đã thay đổi hoàn toàn.

Trong những năm đó, ý định mơ hồ của cộng đồng quốc tế ở Afghanistan gây ra mức độ không chắc chắn cao, khiến các lãnh chúa phải chuyển đổi cơ sở quyền lực một lần nữa và ngày càng đầu tư vào sức mạnh quân sự. Họ bắt đầu phục hồi và tái tập hợp lực lượng mặc dù Mỹ - lo sợ lặp lại những gì đã xảy ra ở Iraq và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - cuối cùng vẫn duy trì quân đội thêm vài năm nữa.

Điều gì xảy ra bây giờ?

Trong thời gian ông Dostum trở về tỉnh Jowzjan, quê hương của mình, để lãnh đạo cuộc chiến chống lại Taliban, việc NATO kết thúc hoạt động tại Afghanistan và tất cả lực lượng Mỹ rời khỏi đây vào tháng 5 năm nay đã giúp Taliban có những bước tiến thần tốc trên chiến trường.

Ngày 15-8, Taliban kiểm soát thủ đô Kabul, đặt dấu chấm hết cho chế độ của Tổng thống Ashraf Ghani. Ông lên máy bay bỏ trốn, còn lãnh chúa Dostum cũng "tẩu vi thượng sách" sau khi quân đội đầu hàng.

Chân dung nhân vật quyền lực bậc nhất của Taliban

Thủ lĩnh chính trị cấp cao nhất của Taliban vừa có chuyến trở về đất nước trong chiến thắng, sau 20 năm đối đầu với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Nghĩa ([Tên nguồn])
Tin tức Afghanistan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN