Quy trình và thời gian NATO xem xét hồ sơ của Phần Lan, Thụy Điển có khác các thành viên trước đó?
Đã có nhiều thông tin trái chiều về thời gian NATO phê duyệt hồ sơ xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, vậy hai nước Bắc Âu thực sự phải chờ thêm bao lâu, vài tuần hay một năm?
Ngày 18-5, Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo hãng tin Reuters.
Trong khi một số quan chức NATO cho biết quy trình gia nhập của hai nước Bắc Âu có thể kéo dài trong vài tuần, giới phân tích cho rằng nó có thể kéo dài lâu hơn. Vậy chính xác Phần Lan và Thụy Điển cần bao lâu để được kết nạp vào liên minh quân sự?
Thụy Điển, Phần Lan đã qua bước đầu tiên
Theo hãng tin Al Jazeera, dù quy trình kết nạp của NATO không được chính thức hóa và các giai đoạn có thể khác nhau, nhưng ở bước đầu tiên, ứng viên phải cho thấy sự quan tâm và chính thức bày tỏ mong muốn gia nhập. NATO sau đó sẽ thảo luận với bên liên quan.
Trong trường hợp này, Thụy Điển và Phần Lan cần phải đáp ứng các tiêu chí đặt ra trong “Văn bản về Mở rộng” (Study on Enlargement) năm 1995 của NATO.
NATO cho biết các tiêu chí này gồm có hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường; đối xử công bằng với các nhóm thiểu số; cam kết giải quyết xung đột một cách hòa bình; khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO; và cam kết đối với các quan hệ và thể chế dân sự-quân sự dân chủ.
Theo ông Alexander Lanoszka - trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Waterloo: “Phần Lan và Thụy Điển từ lâu đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản để gia nhập NATO, đặc biệt là do sức mạnh của thể chế dân chủ và quyền kiểm soát dân sự mạnh mẽ đối với quân đội".
Quy trình tương đối đơn giản với Phần Lan, Thụy Điển
Việc liệu một quốc gia có đáp ứng được các yêu cầu hay không được đánh giá trong quá trình nước đó đàm phán với NATO.
Đầu tiên, các ứng viên sẽ được mời tham gia “Kế hoạch Hành động Tư cách Thành viên” (MAP). Đây là một bước chuẩn bị, trong đó các ứng viên được NATO cố vấn và hỗ trợ sâu sắc, để có thể đáp ứng các yêu cầu gia nhập trong tương lai.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận đơn xin gia nhập thành viên của Thụy Điển và Phần Lan tại Brussels (Bỉ) ngày 18-8. Ảnh: REUTERS
Bosnia and Herzegovina - một quốc gia Đông Nam Âu hiện đang ở giai đoạn này.
Tuy nhiên, đối với Thụy Điển và Phần Lan, tư cách thành viên tương đối đơn giản, ông Alistair Shepherd - giảng viên cấp cao về An ninh châu Âu tại ĐH Aberystwyth, nói với Al Jazeera.
Theo ông Shepherd, cả hai đều hoàn thành các yêu cầu về chính trị, quân sự và kinh tế. Hai nước là những nền dân chủ, và đều có năng lực quân sự tiên tiến, vốn từ lâu đã tương thích với các tiêu chuẩn của NATO.
“Hai nước có các nguồn lực để đóng góp vào ngân sách của NATO. Tóm lại, họ được đánh giá sẽ làm tăng giá trị và an ninh của NATO chứ không làm suy yếu liên minh" - ông nhận định.
Đến giai đoạn đàm phán, để bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc gia nhập, Thụy Điển và Phần Lan phải được NATO mời. Cần lưu ý thêm rằng việc gửi thư mời phải có được sự nhất trí ủng hộ từ các nước thành viên NATO.
Theo giới phân tích, khả năng cao Phần Lan và Thụy Điển sẽ được mời, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây lên tiếng phản đối việc kết nạp hai nước Bắc Âu này.
Sau khi nhận được lời mời, các cuộc đàm phán chính thức của NATO sẽ được tổ chức tại trụ sở của liên minh ở Brussels (Bỉ), sau đó các cuộc gặp của NATO với Thụy Điển và Phần Lan sẽ được diễn ra.
Tại các cuộc họp, ứng viên phải cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của liên minh. Trong trường hợp chưa thể thực hiện đầy đủ yêu cầu của NATO, các ứng viên phải nêu cụ thể mốc thời gian họ có thể đáp ứng tất cả tiêu chí liên minh đặt ra.
Sau đó, NATO sẽ chuẩn bị cho việc điều chỉnh hiệp ước của mình thông qua các giao thức gia nhập đã được phê chuẩn.
“Tất cả thành viên, và cả các nước có nguyên vọng gia nhập liên minh, sẽ cần phê chuẩn việc tham gia Hiệp ước Washington theo thủ tục quốc gia mình” - ông Lanoszka giải thích.
Quy trình NATO phê duyệt hồ sơ của Phần Lan, Thụy Điển có thể kéo dài đến cuối năm nay
Quá trình nhanh hay chậm có thể thay đổi tùy thuộc vào yêu cầu cải cách và việc phê chuẩn các giao thức gia nhập của tất cả 30 thành viên.
Thành viên mới nhất của NATO - North Macedonia, đã nhận được lời mời tham gia MAP vào tháng 7-2018 và chính thức gia nhập vào ngày 27-3-2020, tức gần hai năm sau đó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Ukraine đang nóng, các quan chức NATO cho biết thủ tục trở thành thành viên của hai nước Bắc Âu có thể được hoàn thành "trong vài tuần". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cả hai đơn đăng ký sẽ được "theo dõi nhanh chóng".
Theo ông Shepherd: “Cần phải đảm bảo khoảng thời gian giữa việc đăng ký gia nhập và thực sự trở thành thành viên càng ngắn càng tốt vì lo ngại Nga sẽ 'có hành động' trước khi hai nước được kết nạp và Điều 5 trong Hiệp ước NATO có hiệu lực”.
Theo Điều 5 Hiệp ước NATO, một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO sẽ bị xem là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Hành động này có thể kích hoạt các phản ứng từ các thành viên của khối, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực.
Theo hãng tin AP, các quan chức NATO cho biết quá trình này có thể chỉ mất vài tuần. Tuy nhiên, vẫn còn một số hoài nghi về mốc thời gian đầy tham vọng này.
“Quá trình này vẫn sẽ mất vài tháng và NATO với tư cách là một tổ chức sẽ chấp nhận đơn đăng ký của họ tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 6 ở Madrid. Tuy nhiên, sau đó, tát cả quốc gia thành viên NATO phải phê chuẩn đơn đăng ký thành viên của Thụy Điển và Phần Lan" - ông Shepherd lưu ý.
“Việc này sẽ mất một khoảng thời gian và sẽ thay đổi tùy thuộc vào các quy định ở mỗi quốc gia thành viên. Có thể sớm nhất là cuối năm 2022" - ông nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi con đường gia nhập liên minh quân sự NATO của Phần Lan và Thụy Điển trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, Thổ Nhĩ Kỳ khiến các đồng minh bất ngờ khi có những động thái gây...