Quốc hội Mỹ lần đầu vô hiệu quyền phủ quyết của ông Trump
Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát hôm 1-1-2021 đã cùng Hạ viện vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 740 tỉ USD.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ vô hiệu hóa quyền phủ quyết của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Dự luật, được biết đến là Đạo luật cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia 2021(NDAA), đã được Thượng viện thông qua với tỉ lệ 81 phiếu thuận và 13 phiếu chống. NDAA đã trở thành luật mà không có chữ ký của ông Trump.
Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật với hơn 3/4 số phiếu ủng hộ.
Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã nhóm họp lại vào giữa trưa ngày 1-1 (giờ địa phương) để thông qua dự luật mà Tổng thống Trump đã từ chối ký ban hành luật vì không hủy bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý nhất định đối với các công ty công nghệ.
NDAA thường được thông qua hằng năm với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng và đủ đa số phiếu để chống lại bất kỳ quyền phủ quyết nào. Đây là dự luật cấp vốn cho danh mục an ninh quốc gia của Mỹ và được tổng thống Mỹ ký thành luật hằng năm trong gần 6 thập kỷ liên tiếp qua.
Quốc hội Mỹ vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật ngân sách quốc phòng 2021. Ảnh: The Hill
Phản ứng trước việc thông qua dự luật, ông Trump viết trên mạng Twitter: "Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát vừa bỏ lỡ cơ hội loại bỏ Điều 230, vốn trao quyền lực vô hạn cho các công ty công nghệ lớn".
Ông Trump đã đưa ra nhiều lý do để phản đối NDAA dài 4.517 trang của năm nay. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng NDAA không có bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào đối với Điều 230 trong Đạo luật Truyền thông đúng mực (CDA), đồng thời kêu gọi quốc hội bãi bỏ điều khoản này.
Điều 230 bảo vệ những công ty công nghệ lớn như Facebook và Twitter khỏi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì đăng tải trên nền tảng của họ.
Hồi tháng trước, ông Trump lập luận rằng dự luật này ủng hộ Nga và Trung Quốc nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể. Tổng thống Trump trước đây cũng cáo buộc điều khoản trên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như tính toàn vẹn của cuộc bầu cử nhưng không đưa ra bất kỳ chi tiết giải thích nào thêm.
Ông Todd Harrison, giám đốc phân tích ngân sách quốc phòng và dự án an ninh hàng không vũ trụ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, lý giải: "Thực sự điều này nói lên di sản quốc phòng của tổng thống hơn bất cứ điều gì khác. Trong khi nỗ lực thể hiện mình là người cứng rắn về vấn đề quốc phòng, ông Trump đã nhiều lần cho thấy rằng ông ấy sẵn sàng đánh đổi các ưu tiên quốc phòng cho các ưu tiên chính sách trong nước khác".
Trước khi thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3.11, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã chỉ trích con rể Jared Kushner,...
Nguồn: [Link nguồn]