Quốc gia "thiệt hại nặng nhất" khi chính quyền Syria sụp đổ?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sau hơn một thập kỷ đổ nguồn lực để bảo vệ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và mở rộng “trục kháng chiến”, mọi thứ dường như đã tan vỡ khi Syria sụp đổ vào ngày 7/12. Syria là quốc gia có chủ quyền duy nhất nằm trong “trục kháng chiến” của Iran chống lại Israel.

Sau 4 thập kỷ, Syria không còn là đồng minh của Iran. Ảnh minh họa.

Sau 4 thập kỷ, Syria không còn là đồng minh của Iran. Ảnh minh họa.

Tầm quan trọng của Syria trong “trục kháng chiến”

Trong suốt 13 năm nội chiến tại Syria, Iran đã đầu tư lớn vào việc duy trì chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Từ tài chính, vũ khí, đến nhân lực, Iran coi Syria như một bàn đạp quan trọng để mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông và bảo vệ lợi ích chiến lược của mình.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực này đã đổ sông đổ bể chỉ trong hơn 10 ngày khi các nhóm nổi dậy dẫn đầu bởi Hayat Tahrir al-Sham (HTS), tiến vào thủ đô Damascus hôm 7/12, đánh dấu sự kết thúc của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo báo Mỹ Washington Post, sự sụp đổ nhanh chóng của Syria khiến giới lãnh đạo Iran bất ngờ. “Chúng tôi không ngờ quân đội Syria lại yếu đến thế”, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi thừa nhận trên truyền hình nhà nước​ hôm 8/12.

Syria không chỉ là một đồng minh quan trọng mà còn là xương sống trong chiến lược của “trục kháng chiến” – liên minh bao gồm các lực lượng do Iran hậu thuẫn như Hezbollah ở Lebanon, các nhóm dân quân tại Iraq và Houthi tại Yemen. 

Một nhà ngoại giao phương Tây nói với Wahington Post: “Mất Syria, trục kháng chiến cơ bản đã sụp đổ”.

Thất bại tại Syria không phải là cú sốc duy nhất mà Iran phải đối mặt trong năm nay. Hezbollah, lực lượng từng được coi là đối thủ đáng gờm với các quốc gia trong khu vực, vừa chịu thất bại nặng nề trước Israel. Nhóm này hiện đang phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ của Iran để tái thiết.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi thừa nhận “mặt trận kháng chiến” đã trải qua một năm đầy khó khăn, nhưng ông vẫn cố gắng lạc quan: “Không ai nghĩ rằng chúng tôi có thể duy trì sức mạnh lớn đến vậy,” ông nói, dẫn chứng các cuộc tấn công liên tiếp của Hamas và Hezbollah nhằm vào Israel.

Thủ lĩnh HTS, Abu Mohammed al-Jolani, đọc thông điệp chiến thắng tại một nhà thờ ở thủ đô Damascus. Ảnh: AFP.

Thủ lĩnh HTS, Abu Mohammed al-Jolani, đọc thông điệp chiến thắng tại một nhà thờ ở thủ đô Damascus. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại không chia sẻ sự lạc quan này. Maria Luisa Fantappie, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Quốc tế về Các vấn đề Quốc tế tại Rome, nhận xét: “Những lực lượng ủy nhiệm của Iran giờ đây trở thành gánh nặng hơn là tài sản chiến lược”​.

Iran đánh mất ảnh hưởng?

Sau khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023, Iran đã tung ra một loạt các hành động nhằm hỗ trợ các lực lượng trong “trục kháng chiến”. Tehran phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo vào Israel.

Đáp lại, Israel đã tiến hành các cuộc phản công chính xác, phá hủy nhiều trang thiết bị quân sự tối tân của Iran, bao gồm cả hệ thống phòng không hiện đại. “Chiến lược dựa vào các lực lượng ủy nhiệm để gây áp lực đã không còn hiệu quả”, chuyên gia Fantappie nhận xét. “Thay vào đó, nó chỉ phơi bày điểm yếu của Iran”​.

Ngày Tổng thống Assad bị lật đổ, Iran gần như không thể phản ứng. Khi Bộ Ngoại giao Iran đưa ra tuyên bố, cơ quan này chỉ nhấn mạnh “mối quan hệ lâu đời” giữa Iran và Syria, đồng thời kêu gọi tiếp tục hợp tác dựa trên “sự khôn ngoan và tầm nhìn xa” của hai nước​.

Trên thực tế, Iran đã hứng chịu một thất bại nghiêm trọng, Washington Post nhận định. Vài ngày sau khi phe nổi dậy Syria kiểm soát Aleppo, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã đến Damascus gặp Tổng thống Bashar al-Assad. Sau cuộc họp tại dinh tổng thống, truyền thông Iran đăng tải hình ảnh hai người dùng bữa tại một nhà hàng ở trung tâm thành phố, kèm theo thông điệp thể hiện sự đoàn kết.

Tuy nhiên, khi phiến quân tiếp tục tiến công, nỗi lo lắng của Iran ngày càng gia tăng. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, ông Araghchi thừa nhận: “Điều khiến chúng tôi bất ngờ chính là sự yếu kém của quân đội Syria và tốc độ diễn biến tình hình ở nước này”. Ngay cả ông Assad, theo lời ông Araghchi, cũng “sững sờ trước tình trạng quân đội quốc gia”.

Nỗ lực cứu vãn đến cuối cùng

Nỗ lực cuối cùng của Iran nhằm cứu vãn tình hình là cuộc họp ba bên giữa Iran, Iraq và Syria ở Baghdah vào ngày 6/12. Ảnh: AFP.

Nỗ lực cuối cùng của Iran nhằm cứu vãn tình hình là cuộc họp ba bên giữa Iran, Iraq và Syria ở Baghdah vào ngày 6/12. Ảnh: AFP.

Một ngày trước khi Damascus thất thủ, hôm 6/12, ông Araghchi tới Baghdad để tìm kiếm sự hỗ trợ. Ở thời điểm đó, các quan chức và nhà ngoại giao khu vực nói lực lượng chính phủ Syria đã để mất thành phố Hama và đang rút khỏi các khu vực ngoại ô Damascus. Iraq từ chối cam kết hỗ trợ quân sự.

“Ngoại trưởng Iran rời Baghdad một cách đầy thất vọng”, một quan chức Iraq có liên hệ với các nhóm dân quân người Shia do Iran hậu thuẫn, tiết lộ.

Ông Araghchi từng tin rằng Baghdad sẽ ủng hộ Tehran như trước đây trong cuộc nội chiến Syria, nhưng ông đã “bất ngờ” khi nhận được câu trả lời ngược lại. Có lẽ vì Iraq cũng bị động trước các diễn biến quá nhanh ở Syria.

Đến cuối ngày, một nhà ngoại giao khu vực tiết lộ, Iran đã đi đến kết luận rằng chính quyền Assad “không còn hi vọng phục hồi” và ra lệnh sơ tán toàn bộ nhân viên quân sự cùng nhân viên ngoại giao. Sau bốn thập kỷ làm đồng minh, Tehran buộc phải "cắt lỗ"và rút lui, theo Washington Post.

Các quan chức và nhà ngoại giao Iran vội vã rời khỏi Damascus trong bối cảnh lực lượng phiến quân tiến gần thủ đô. Một số cố gắng rút qua đường bộ tới Lebanon hoặc Iraq, trong khi các chuyến bay tại sân bay Damascus chật kín nhân viên ngoại giao và nhân viên quân sự Iran​.

Mohammad Ghaderi, nhà phân tích người Iran, thừa nhận: “Chính phủ Syria và cá nhân ông Bashar al-Assad đã không còn ý chí giữ quyền lực”​. Ông Ghaderi bác bỏ những thông tin Iran từ bỏ đồng minh lâu năm. “Thực tế là Iran đã hỗ trợ Syria đến thời khắc cuối cùng”, ông Ghaderi nói.

Bài học Iran đối mặt

Thất bại tại Syria và sự suy yếu của “trục kháng chiến” đã khiến dư luận trong nước chỉ trích mạnh mẽ chiến lược đối ngoại của Iran. Iran xây dựng “trục kháng chiến” nhằm tránh cho một cuộc xung đột có thể xảy ra ở quốc gia.

Abdolreza Davari, cựu cố vấn của Tổng thống Ahmadinejad, kêu gọi chính quyền nhìn nhận bài học. “Đồng minh quan trọng nhất của mỗi chính quyền chính là nhân dân chứ không phải các thế lực bên ngoài. Sự ủng hộ của nhân dân là yếu tố cốt lõi để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài”​.

Heshmatollah Falahatpisheh, cựu nghị sĩ Iran, cũng bày tỏ: “Chúng ta không nên tiêu tốn hàng tỷ đô la vào mạng lưới dễ tan vỡ như vậy”.

Chỉ trong vòng 11 ngày, 24 năm cầm quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chấm dứt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Washington Post ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN