Quốc gia thành viên NATO thứ hai cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga
Chính phủ Thụy Điển đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga, truyền thông địa phương ngày 26/5 đưa tin.
Pháo tự hành Archer do Thụy Điển cung cấp cho Ukraine.
Theo trang Ukrinform, trả lời phỏng vấn báo địa phương Hallandsposten, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson cho biết, chính phủ đồng ý cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.
"Ukraine là mục tiêu tấn công của Nga. Theo luật pháp quốc tế, Ukraine có quyền tự vệ thông qua các hành động quân sự nhằm vào lãnh thổ của đối phương nếu những hành động này tuân thủ luật pháp và quy tắc chiến tranh. Thụy Điển ủng hộ luật pháp quốc tế và quyền tự vệ của Ukraine", ông Jonson trả lời câu hỏi của báo Thụy Điển Hallandsposten.
Thụy Điển là quốc gia thành viên NATO thứ hai sau Anh nêu quan điểm về vấn đề trên. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố Anh không phản đối Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.
Ukraine đã tung xe bọc thép chiến đấu CV90 ra tiền tuyến ở vùng Kharkiv.
"Theo quan điểm của chúng tôi, Ukraine có quyền quyết định về các vũ khí mà họ sử dụng nhằm mục đích tự vệ. Chúng tôi không có bất cứ giới hạn nào với Ukraine. Nga đã tấn công Ukraine và Ukraine có quyền đáp trả", ông Cameroon nói.
Bình luận của Ngoại trưởng Anh sau đó đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Nga. Moscow cảnh báo sẽ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Anh bất kể ở đâu nếu Ukraine sử dụng vũ khí do London cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga.
"Các mục tiêu của Anh trên lãnh thổ Ukraine hay ngoài biên giới Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga nếu viễn cảnh đó xảy ra", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 23/5.
Tên lửa phòng không vác vai RBS 70 do Thụy Điển sản xuất.
Trong cuộc xung đột đang diễn ra, Thụy Điển đã cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí khác nhau, bao gồm xe bọc thép chiến đấu CV90, tên lửa chống tăng TOW, tên lửa phòng không vác vai RBS 70, pháo tự hành Archer và nhiều vũ khí khác.
Theo giới quan sát, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi đồng minh phương Tây cho phép sử dụng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga nhưng lời kêu gọi chủ yếu nhắm vào Mỹ.
Ukraine muốn Mỹ cho phép sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa trong lãnh thổ Nga vì loại tên lửa này có khả năng gây thiệt hại đáng kể nếu tấn công nơi Nga tập kết binh sĩ hoặc khí tài quân sự.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có ý định sử dụng hệ thống phòng không của liên minh để che chắn cho Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định. Bình luận của ông được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ và các đồng minh giúp Kiev bắn hạ tên lửa Nga.