Quốc gia thành viên NATO lần đầu viện trợ quân sự cho Ukraine
Vừa đàm phán với Nga để tìm cách nhập khẩu thêm khí đốt, quốc gia này đồng thời cũng muốn gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.
Bulgaria ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine như hầu hết các nước đồng minh NATO (ảnh: Reuters)
Hôm 3/11, Quốc hội Bulgaria đã phê duyệt kế hoạch gửi các chuyến hàng viện trợ quân sự đầu tiên cho Ukraine, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2.
“Hãy bình tĩnh, chúng tôi không tham gia vào xung đột. Bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine như các đồng minh khác, chúng tôi chỉ muốn thể hiện rõ ràng rằng chúng tôi là đối tác đáng tin cậy”, ông Daniel Lorer, một trong những nghị sĩ Bulgaria ủng hộ gửi viện trợ quân sự cho Kiev, phát biểu hôm 3/11.
Bulgaria là quốc gia thành viên của NATO và EU.
Theo Bloomberg, trong Quốc hội Bulgaria, có một số nghị sĩ phản đối việc viện trợ quân sự cho Ukraine. Hầu hết các nghị sĩ này thuộc đảng Xã hội Bulgaria. Tuy nhiên, trong tổng cộng 240 ghế quốc hội, đảng Xã hội Bulgaria chỉ nắm 25 ghế và không có nhiều “tiếng nói”. Đảng Xã hội Bulgaria đã nhiều lần cảnh báo việc viện trợ quân sự cho Ukraine có thể khiến Bulgaria bị kéo vào xung đột.
Theo trang tin EURACTIV.bg (Bulgaria), trước ngày 3/11, Bulgaria và Hungary là 2 nước duy nhất thuộc NATO và EU từ chối gửi viện trợ quân sự cho Ukraine. Hiện danh sách này chỉ còn lại Hungary.
Tuy nhiên, EURACTIV.bg cho rằng, trong xung đột Ukraine, Bulgaria từng nhiều lần tìm cách viện trợ quân sự gián tiếp cho Kiev. Lượng lớn vũ khí từ Bulgaria đã được bán ra kể từ khi Ukraine xảy ra xung đột. Quân đội Bulgaria được trang bị nhiều hệ thống vũ khí sản xuất theo công nghệ và tiêu chuẩn Liên Xô – loại vũ khí mà lực lượng Ukraine vốn quen sử dụng.
Theo EURACTIV.bg, các nhà sản xuất vũ khí Bulgaria bán sản phẩm cho Ba Lan và Romania. Vũ khí Bulgaria từ 2 nước này sau đó “chảy” sang Ukraine. Trước ngày 3/11, Bulgaria chỉ tuyên bố viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Sau quyết định mới của Quốc hội Bulgaria, chính phủ nước này có 1 tháng để trình lên danh sách các loại vũ khí có thể gửi tới Ukraine mà không ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ trong nước. Bulgaria cũng sẽ tổ chức đàm phán với các nước thành viên NATO để viện trợ quân sự cho Ukraine một cách hiệu quả.
“Trong giai đoạn này, chúng tôi chưa thể cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng. Trước hết, chúng tôi cần có vũ khí thay thế”, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria – ông Dimitar Stoyanov – cho biết.
Nga hiện chưa phản ứng với quyết định mới của Bulgaria. Hồi cuối tháng 4, Nga dừng xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria, sau khi nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Hôm 26/8, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Hristov thông báo, nước này sẽ tìm cách đàm phán để Moscow nối lại nguồn cung và mua thêm khí đốt từ Nga.
Quan chức cấp cao do Nga bổ nhiệm ở Kherson cho hay, lực lượng Nga và phe ly khai có khả năng rút khỏi bờ tây sông Dnepr (nơi có thành phố Kherson) và sang bờ đông.
Nguồn: [Link nguồn]