Quốc gia thành viên NATO công khai ủng hộ Ukraine tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng UAV

Trong cuộc gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ở thủ đô Tallin vào ngày 3/4, Tổng thống Estonia Alar Karis khẳng định quan điểm ủng hộ Ukraine tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Estonia Alar Karis (phải) đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Estonia vào ngày 11/1/2024.

Tổng thống Estonia Alar Karis (phải) đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Estonia vào ngày 11/1/2024.

"Tôi coi việc Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự và các mục tiêu hỗ trợ các hoạt động quân sự trong lãnh thổ Nga là hoàn toàn phù hợp để làm chậm guồng máy phục vụ chiến sự của Nga", Tổng thống Estonia Alar Karis nói, theo tờ Kyiv Independent.

"Ukraine đang trong xung đột với Nga. Nga là bên đã không kiềm chế trong việc tấn công các mục tiêu ở Ukraine", ông Karis nói, ám chỉ các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Estonia là quốc gia thành viên NATO có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong xung đột. Tháng trước, giới lãnh đạo Estonia ủng hộ lập trường của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, về việc "phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine".

Tuyên bố được Tổng thống Estonia đưa ra trong bối cảnh Mỹ được cho là đã liên tục cảnh báo Ukraine về việc ngừng tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga để tránh tác động đến giá dầu thế giới, cũng như tránh nguy cơ Nga đáp trả mạnh mẽ hơn.

Phản ứng trước những cảnh báo của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước nói Kiev có quyền sử dụng vũ khí do nước này tự sản xuất để tấn công các nhà máy lọc dầu Nga.

"Chúng tôi sử dụng UAV do chúng tôi tự sản xuất. Không ai nói rằng điều này là không thể", ông Zelensky trả lời trên tờ Washington Post hôm 30/3.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ukraine ở Estonia, ông Karis cũng tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine, nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) và NATO hoàn toàn vượt trội so với Nga trên lĩnh vực kinh tế và quân sự. Vấn đề nằm ở sự quyết tâm của phương Tây nhằm giúp Ukraine hoàn thành mục tiêu, ông Karis nói.

“Các quốc gia phương Tây có thể lấp đầy kho dự trữ bằng vũ khí, pháo và vật tư quân sự. Nhưng nếu Ukraine thiếu tất cả những thứ này ở chiến trường thì những kho dự trữ sẽ trở nên vô nghĩa”, ông Karis nói. "Vấn đề là chúng ta cần phải cam kết thực hiện mục tiêu và tìm kiếm các nguồn lực cần thiết càng nhanh càng tốt để thực sự hỗ trợ Ukraine như những gì đã cam kết".

Estonia là quốc gia có số dân chỉ 1,3 triệu người, nhưng đóng góp sự hỗ trợ cho Ukraine lớn nhất nếu xét trên chỉ số GDP. Mức hỗ trợ mà Estonia đóng góp cho Ukraine kể từ đầu xung đột tương đương 3,6% GDP của nước này, theo CNN.

Cuối cùng, Tổng thống Estonia hối thúc các đồng minh phương Tây hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho Ukraine. "Chúng ta cần cung cấp cho Ukraine tất cả những gì họ cần", ông Karis nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng có cuộc thảo luận bí mật với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm thuyết phục các đồng minh phương Tây thay đổi chiến lược trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Kyiv Independent ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN