Quốc gia Tây Phi đề nghị Liên Hợp Quốc rút "ngay" lực lượng gìn giữ hòa bình
Động thái của chính quyền quân sự lâm thời được xem là bước ngoặt lớn với quốc gia Tây Phi này.
Ông Abdoulaye Diop, Ngoại trưởng lâm thời của Mali, đề nghị Liên Hợp Quốc rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi quốc gia Tây Phi này. Ảnh minh họa: Reuters
Theo hãng tin Reuters, chính quyền quân sự lâm thời Mali ngày 16/6 đã đề nghị MINUSMA, một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, rời nước này "ngay lập tức", dẫn lý do "khủng hoảng niềm tin" giữa chính quyền Mali và MINUSMA.
Động thái này đánh dấu bước ngoặt lớn với quốc gia Tây Phi này, vốn chật vật trong việc ngăn chặn một phong trào Hồi giáo nổi dậy bắt nguồn từ cuộc nổi dậy năm 2012. MINUSMA được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triển khai vào năm 2013 để hỗ trợ các nỗ lực trong nước và ngoài nước để khôi phục sự ổn định ở Mali.
Theo Reuters, nỗi thất vọng về tình trạng mất an ninh ngày càng tăng dẫn đến 2 cuộc đảo chính vào năm 2020 và 2021, đồng thời gây ra mối bất hòa giữa chính quyền quân sự lâm thời với MINUSMA và một số đồng minh quốc tế, bao gồm cả Pháp.
"Thật không may, MINUSMA dường như trở thành một phần của việc gây thêm căng thẳng giữa các cộng đồng", ông Abdoulaye Diop, Ngoại trưởng lâm thời của Mali, nói.
"Tình hình này đang gây ra sự ngờ vực trong dân chúng Mali và cũng gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin giữa chính quyền Mali và MINUSMA. Vì vậy, chính phủ Mali đề nghị Liên Hợp Quốc rút lực lượng MINUSMA ngay lập tức", ông Diop nói thêm.
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải thông qua nghị quyết gia hạn nhiệm vụ của MINUSMA trước ngày 30/6. Để được thông qua, nghị quyết này đòi hỏi ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh hoặc Pháp.
Theo hãng tin Reuters, chính quyền quân sự Mali đã không còn "mặn mà" với các đồng minh phương Tây truyền thống và chuyển hướng sang Nga để được hỗ trợ tăng cường khả năng quân sự.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia ngày 16/6 nói với Hội đồng Bảo an rằng sứ mệnh gìn giữ hòa bình chỉ có thể thành công nếu "có sự phối hợp chặt chẽ với Mali và tôn trọng chủ quyền của nước chủ nhà".
Khi được hỏi về tuyên bố của Ngoại trưởng Mali lâm thời ngày 16/6, đặc phái viên Liên Hợp Quốc ở Mali, El-Ghassim Wane, cho biết, quyết định về tương lai của MINUSMA tùy thuộc vào Hội đồng Bảo An.
"Các hoạt động gìn giữ hòa bình hoạt động trên cơ sở có sự đồng thuận của nước chủ nhà. Nếu không, hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình ở một quốc gia cụ thể sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể", ông El-Ghassim nói.
Theo Liên Hợp Quốc, bạo lực đã gia tăng ở Tây Phi kể từ năm 2015, với các vụ tấn công được cho là có liên quan tới al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở các quốc gia láng giềng của Mali. Hàng nghìn người đã thiệt mạng và hơn 6 triệu người phải sơ tán.
Nguồn: [Link nguồn]
Kỳ họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do ngoại trưởng Nga chủ trì diễn ra gay gắt và kịch tính khi các đại diện Nga và phương Tây liên tục cáo buộc lẫn nhau chà đạp lên...