Quốc gia “nói 1 câu” giúp giá dầu giảm mạnh: Thông điệp gửi đến Mỹ
Chỉ bằng một câu nói giúp giá dầu giảm 13% trong một ngày, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chứng minh quyền lực của nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu vùng Vịnh, động thái có thể khiến Mỹ phải “thức tỉnh và quan tâm hơn nữa đến đồng minh lâu năm”, theo Reuters.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (trái) và thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan gần đây đã phớt lờ cuộc điện thoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, giá dầu không ngừng tăng mạnh và có thời điểm xấp xỉ 140 USD, tiệm cận mức kỷ lục 147,5 USD của năm 2008.
Các quốc gia dầu mỏ Trung Đông như UAE và Ả Rập Saudi bày tỏ thái độ trung lập, phớt lờ lời kêu gọi tăng sản lượng khai thác dầu.
Hôm 9.3, giá dầu đột ngột quay đầu giảm mạnh sau khi đại sứ UAE tại Mỹ nói quốc gia này ủng hộ việc bơm thêm dầu vào thị trường.
"Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản xuất cao hơn", đại sứ Yousuf Al Otaiba cho biết.
Một ngày sau, giá dầu có xu hướng tăng trở lại khi Bộ trưởng Năng lượng UAE tuyên bố quốc gia này vẫn tuân thủ kế hoạch khai thác dầu theo thỏa thuận với nhóm OPEC+.
Thái tử MbS chưa có một cuộc trao đổi chính thức nào với ông Biden.
Những bình luận trái chiều được cho là gửi thông điệp tới Mỹ, rằng “Washington cần tới UAE và do đó hãy giải quyết các vướng mắc trong quan hệ song phương”, Abdulaziz Sager, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh, nói trên Reuters.
Ông Sager nhận định, Washington không thể đơn giản phớt lờ đồng minh Trung Đông như trong thời gian qua, rồi lại liên hệ đề nghị đồng minh cung ứng thêm dầu ra thị trường khi có khủng hoảng.
“Các quốc gia vùng Vịnh đã có nhiều năm xây dựng quan hệ tốt đẹp với Nga, không thể đảo ngược quá trình này một cách đột ngột”, ông Sager nói.
Mỹ muốn các đồng minh Trung Đông ngả về phía Mỹ trong cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi UAE hay Ả Rập Saudi lại có mối quan tâm lớn về vấn đề Iran, cũng như việc Mỹ đang gây khó dễ, áp đặt thêm các rào cản khiến đồng minh khó mua thêm vũ khí Mỹ.
Đồng minh của UAE, Ả Rập Saudi cũng đang có mối quan hệ “không êm ả” với Mỹ. Thái tử Mohammed bin Salman (MbS), người trực tiếp nắm quyền điều hành vương quốc dưới danh nghĩa của vua cha, không hài lòng khi bị Mỹ cáo buộc liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ả Rập Saudi cũng không nhận được sự hỗ trợ quân sự của Mỹ trong chiến dịch ở quốc gia láng giềng Yemen.
Có quá nhiều vấn đề giữa Mỹ và các đồng minh vùng Vịnh và các bên cần khôi phục niềm tin. Vấn đề không nằm ở Ukraine hay Nga, một nguồn tin am hiểu vấn đề ở vùng Vịnh, nói trên Reuters.
UAE đã rất thất vọng khi phiến quân Houthi ở Yemen phóng tên lửa vào Abu Dhabi, còn Mỹ vẫn phớt lờ lời kêu gọi liệt Houthi vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Ả Rập Saudi những năm gần đây xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Trong khi UAE bị nã tên lửa, Tổng thống Mỹ Joe Biden không hề có động thái liên lạc chia sẻ cùng đồng minh. “3 tuần sau, ông Biden gọi điện cho thái tử UAE Mohammed bin Zayed khi giá dầu đạt đỉnh. Không ngạc nhiên khi thái tử Zayed không nhấc máy”, nguồn tin cho biết.
Tháng trước, ông Biden liên lạc với quốc vương Ả Rập Saudi Salman trong khi thái tử MbS cũng ngồi cạnh vua cha khi đó. Ông Biden được cho là muốn có lời nhưng thái tử MbS từ chối cầm máy.
Các nỗ lực của Mỹ nhằm liên lạc với thái tử Ả Rập Saudi cho đến nay đều không thành công.
Theo Reuters, chỉ với một câu nói, UAE đã giúp giá dầu giảm mạnh xuống dưới mức 110 USD/thùng. Nhưng quốc gia này chưa có động thái cụ thể nhằm tăng sản lượng khai thác.
Nếu muốn bình ổn giá dầu về lâu dài, Washington sẽ phải tích cực đối thoại, giải quyết vướng mắc của các đồng minh Trung Đông. Điều mà Mỹ chưa làm được ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Nga tuyên bố sẽ tự sắp xếp các hành lang nhân đạo và sơ tán dân thường khỏi các thành phố lớn ở Ukraine, bất chấp Kiev đồng ý hay phản đối.