Quốc gia nhỏ bé dọa giáng đòn hủy diệt đập thủy điện đối thủ: Bất ngờ sức mạnh quân sự
Armenia và Azerbaijan là hai quốc gia láng giềng từng cùng thuộc Liên Xô, nhưng ngày nay có mối quan hệ hết sức căng thẳng, luôn sẵn sàng gây chiến vì những mâu thuẫn nhỏ nhất.
Mingachevir là công trình thủy điện lớn nhất ở Azerbaijan.
Azerbaijan và Armenia là hai quốc gia hình thành sau khi Liên Xô sụp đổ. Tranh chấp chủ quyền vùng Nagorno-Karabakh khiến hai quốc gia láng giềng rơi vào cuộc xung đột đẫm máu kéo dài đến tận ngày nay. Loạt bài dài kỳ này sẽ cung cấp cái nhìn khái quát về mối quan hệ thù địch giữa hai nước và những lời đe dọa hủy diệt lẫn nhau, tiềm ẩn nguy cơ tạo thành thảm họa. |
Xung đột biên giới giữa hai quốc gia láng giềng ở vùng Caucasus đã kéo dài 5 ngày liên tiếp với thương vong đáng kể.
Armenia do Nga hậu thuẫn và quốc gia láng giềng Azerbaijan thân Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, đã giao tranh ác liệt ở biên giới kể từ ngày 12.7.
Sau 5 ngày giao tranh đầu tiên, Azerbaijan tuyên bố tiêu diệt 120 binh sĩ Armenia, phá hủy 1 xe tăng, 1 xe bọc thép chở quân, 2 máy bay không người lái (UAV) và nhiều phương tiện chiến đấu khác.
Trong khi đó, Armenia tuyên bố tiêu diệt 21 binh sĩ Azerbaijan, bắn rơi 13 UAV và làm hư hại 1 xe tăng.
Thương vong ở cấp sỹ quan bên phía Azerbaijan bao gồm 1 thiếu tướng, 1 đại tá và hai thiếu tá. Bên phía Armenia tổn thất 1 thiếu tá, 1 đại úy và 2 trung sĩ.
Hai quốc gia láng giềng coi nhau như kẻ thù
Armenia và Azerbaijan từng là hai nước thành viên Liên Xô cũ, có mối quan hệ căng thẳng do tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh.
Hai nước từng ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 nhưng vấn đề tranh chấp biên giới chưa có hồi kết.
Sau cuộc chiến kéo dài 6 năm (1988-1994), Nagorno-Karabakh trở thành khu tự trị thân Armenia. Cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ công nhận Nagorno-Karabakh là lãnh thổ Azerbaijan.
Vùng lãnh thổ màu cam và màu nâu thuộc chủ quyền Azerbaijan, hiện do Armenia và cộng hòa tự trị Artsakh kiểm soát.
Căng thẳng được đẩy lên cao trào hôm 16.7, khi Azerbaijan thừa nhận mối đe dọa của Armenia đối với nhà máy thủy điện chiến lược của nước này.
Azerbaijan tuyên bố sẵn sàng giáng đòn đáp trả nhằm vào nhà máy điện hạt nhân của Armenia để quốc gia này “nếm mùi thảm họa”.
Hôm 13.7, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Armenia, Vagharshak Harutiunyan cảnh báo đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào đập thủy điện Mingachevir sẽ khiến Azerbaijan “nếm mùi thảm họa môi trường chưa từng thấy”.
Năm 2010, chuyên gia Nga Sergey Arutyunov tiết lộ: “Tôi nhấn mạnh rằng đây không phải là bí mật quân sự. Các tướng lĩnh quân đội Armenia luôn sẵn sàng kế hoạch giáng đòn tên lửa hoặc pháo binh từ dãy núi Karabakh, cách hồ thủy điện Mingachevir chỉ 40km. Chỉ một đòn tấn công và toàn bộ miền trung Azerbaijan sẽ chìm trong nước”.
Theo Eurasianet, khi đụng độ quân sự xảy ra hôm 12.7, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã triệu tập cuộc họp khẩn với các thành viên trong chính phủ.
“Bộ trưởng Quốc phòng ở đây, Tham mưu trưởng, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Nội vụ, Giám đốc Cơ quan Tình báo, thế còn Ngoại trưởng đâu?”, ông Aliyev đặt câu hỏi với Thủ tướng Ali Asadov.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev là người theo đường lối cứng rắn, nắm quyền từ năm 2003.
Thủ tướng đáp lời rằng ngoại trưởng Elmar Mammadyarov “đang ở nhà”.
“Sao lại ở nhà, tôi yêu cầu ông ta đến văn phòng ngay. Quốc gia đang bị kẻ thù gây chiến mà ông ta lại ở nhà”, Tổng thống Azerbaijan Aliyev nói.
Câu nói của ông Aliyev thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng. Về phần Mammadyarov, ngoại trưởng Azerbaijan đã bị sa thải.
Sức mạnh quân sự chênh lệch
Azerbaijan là quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng đáng kể ở khu vực Caucasus. Trong giai đoạn từ năm 2009-2018, Azerbaijan chi tới gần 24 tỉ USD cho quân sự, với tỉ lệ ngân sách giành cho quốc phòng là 11%.
Ngược lại, Armenia dù có tỉ lệ ngân sách giành cho quốc phòng lên tới 20%. Nhưng mức chi tiêu quân sự trong cùng giai đoạn chỉ đạt 4 tỉ USD, tức là chỉ bằng một phần sáu so với đối thủ, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI).
Nga bán vũ khí cho cả Azerbaijan và Armenia, nhưng Armenia được ưu đãi giảm giá nhờ lập trường luôn ủng hộ Nga trong các vấn đề quốc tế.
Theo thống kê của Global Fire Power (GFP), Azerbaijan xếp thứ 64/138 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Xe tăng xuất hiện trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Baku, Azerbaijan.
Azerbaijan có 126.000 quân chính quy và 300.000 quân dự bị. Lực lượng bộ binh Azerbaijan thường xuyên được gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, Azerbaijan luôn sẵn sàng phát động chiến dịch quân sự thu hồi vùng lãnh thổ tranh chấp với Armenia.
Lục quân Azerbaijan rất mạnh với 570 xe tăng, bao gồm khoảng 220 xe tăng T-72 và T-90S, được yểm trợ bởi 227 khẩu pháo kéo, 187 pháo tự hành và 162 bệ phóng rocket.
Không quân Azerbaijan sở hữu 147 máy bay, nhưng chỉ có 17 chiến đấu cơ và 17 trực thăng tấn công. MiG-29 là mẫu chiến đấu cơ mạnh nhất của không quân Azerbaijan.
Azerbaijan hiện sở hữu ít nhất 2 tổ hợp phòng không S-300PMU và 100 tên lửa phòng không đời cũ hơn, như S-75, S-125 và S-200.
Azerbaijan thừa hưởng cảng hải quân của Liên Xô trên biển Caspian. Tuy nhiên, quốc gia này hầu như không phát triển hải quân, chỉ có một tàu chiến đáng chú ý là khinh hạm lớp Petya, có lượng giãn nước 1.150 tấn.
Tên lửa đạn đạo Scud trong kho vũ khí của Armenia.
Trong khi đó, Armenia có sức mạnh quân sự khiêm tốn, xếp thứ 111/138 theo thống kê của GFP.
Armenia có 45.000 quân chính quy và 200.000 quân dự bị. Theo thống kê năm 2010, Armenia sở hữu 20 xe tăng T-80, 137 xe tăng T-72 và các xe bọc thép khác. Hầu hết đều là vũ khí thừa hưởng từ thời Liên Xô.
Không quân Armenia có 15 cường kích Su-25, 18 chiến đấu cơ Su-30, 1 chiếc MiG-25, 16 trực thăng tấn công Mi-24 và các máy bay khác.
Đối với năng lực phòng không, Armenia có ít nhất một tổ hợp S-300 mua của Nga và tên lửa phòng không Buk-M2.
Điểm mạnh nhất của Armenia là quốc gia này sở hữu 24 tên lửa đạn đạo Scud với 8 ống phóng.
Vì là quốc gia không giáp biển nên Armenia không có hải quân. Có thể nói, Armenia có sức mạnh quân sự khá khiêm tốn nhưng chiến đấu ngang ngửa với Azerbaija.
Quốc gia này cũng được Nga bảo đảm an ninh với 5.000 quân đồn trú thường trực cùng tên lửa đạn đạo Iskander và tên lửa phòng không S-300.
Nga cũng duy trì 19 chiến đấu cơ MiG-29 tại căn cứ quân sự ở Armenia. Các lực lượng Nga ở Armenia cho đến nay vẫn án binh bất động, chưa có dấu hiệu sẽ can thiệp.
_______________________
Mục tiêu chiến lược mà Armenia nhắm đến là đập thủy điện lớn nhất của Azerbaijan. Vì sao đập thủy điện này lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và chuyện gì xảy ra nếu đập thủy điện bị phá hủy. Bài dài kỳ tới đăng vào lúc 19h ngày 27/7/2020 trên mục Thế giới sẽ giải đáp những thắc mắc này.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố sẽ giáng đòn tên lửa vào nhà máy điện hạt nhân của Armenia, nếu đối thủ tấn công...
Nguồn: [Link nguồn]