Quốc gia nhận 2 tỷ USD từ Trung Quốc, nơm nớp lo rơi vào bẫy nợ?
Trung Quốc mới đây công bố kế hoạch cấp vốn trong thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD ký với quốc gia châu Phi, đổi lấy quyền khai thác 5% lượng bauxite ở quốc gia này.
Ghana đồng ý cho Trung Quốc khai thác bauxite đổi lấy các khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo CNBC, năm ngoái, Ghana và Trung Quốc ký bản ghi nhớ về việc Bắc Kinh cấp nguồn tài chính trị giá 2 tỉ USD để Ghana xây mạng lưới đường sắt, đường bộ, cầu đường. Đổi lại, Trung Quốc được cấp quyền khai thác 5% lượng bauxite dự trữ của Ghana và là nguyên liệu chính để luyện nhôm.
Phái đoàn do Phó Thủ tướng Trung Quốc Sun Chunlan dẫn đầu mới đây đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống Ghana Mahamadu Bawumia. Phía Trung Quốc nhất trí giải ngân giai đoạn một trị giá 649 triệu USD để xây dựng mạng lưới cầu đường quốc gia cho Ghana.
Các dự án thuộc giai đoạn 1 do Công ty Bảo hiểm Xuất khẩu và Tín dụng Sinosure trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc đảm nhiệm giải ngân. 6 dự án tiếp theo sẽ được xác nhận cho đến cuối năm nay.
Bắc Kinh cũng đồng ý tài trợ 100 xe cho lực lượng cảnh sát Ghana, một khoản tài trợ 42,7 triệu USD, và xóa một khoản nợ trị giá 35,5 triệu USD. Theo kế hoạch, tập đoàn thủy điện và xây dựng quốc doanh Sinohydro của Trung Quốc sẽ bắt đầu khai thác 5% trữ lượng bauxite của Ghana tại khu vực rừng nhiệt đới Thượng Guinea.
Nếu thỏa thuận suôn sẻ, Trung Quốc sẽ nâng mức tín dụng cấp cho Ghana lên tới 19 tỉ USD. Thỏa thuận này làm dấy lên tranh cãi giữa các nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Ghana. Một báo cáo mới từ cơ quan tư vấn rủi ro EXX châu Phi cảnh báo độ minh bạch kém và những rủi ro đang gia tăng đối với tính bền vững của khoản nợ này.
Elizabeth Stephens, giám đốc điều hành công ty Tư vấn rủi ro địa chính trị, nói với CNBC rằng những thỏa thuận giá trị lớn như vậy thường không thể giúp các quốc gia châu Phi thoát khỏi cảnh nghèo đói, thậm chí còn chìm trong bẫy nợ.
Trung Quốc đạt thỏa thuận khai thác 5% lượng bauxite ở Ghana.
“Đó là bởi các chính phủ châu Phi thường thiếu ý chí hoặc năng lực để đảm bảo số tiền chi cho các dự án lớn đem lại lợi nhuận như mong muốn trong khi nhà đầu tư Trung Quốc không coi đây là điều kiện tiên quyết”, Elizabeth nói.
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ghana thời gian qua xấu đi xuất phát từ việc rút lui của chính phủ Mỹ khỏi thỏa thuận tài trợ cho tập đoàn điện quốc gia Ghana. Điều này có thể khiến quốc gia Tây Phi ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Quốc, theo CNBC.
Vay nợ liên tục cũng đặt dấu hỏi về khả năng trả nợ khi chính phủ cầm quyền ở Ghana được cho là tạo thêm 10 tỷ USD nợ công kể từ năm 2017.
Nhiều nhà hoạt động môi trường cũng lên án thỏa thuận giữa Ghana và Trung Quốc. Vấn đề khai thác bauxite có thể tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái và nguồn nước tại rừng Atewa thuộc hệ thống rừng nhiệt đới Thượng Guinea.
“Có nhiều lo ngại rằng những mỏ bauxite làm ô nhiễm ba con sông lớn, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt rộng lớn, bao gồm 1 triệu người tại thủ đô Accra. Các báo cáo đánh giá tác động môi trường không được công khai cũng là điều đáng ngại”, Elizabeth nói.
Chính phủ Ghana nói vấn đề ô nhiễm môi trường chưa đến mức đáng lo ngại, nhưng không công bố các báo cáo chi tiết củng cố luận điểm này.
Người dân địa phương nói những lời hứa cải thiện cơ sở hạ tầng, bệnh viện và trường học chưa được thực hiện, trong khi bụi từ các mỏ bauxite đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người dân nằm ở gần vùng khai thác.
Nguồn: [Link nguồn]
Một nghị sĩ Philippines đã kêu gọi điều tra về vấn đề an ninh quốc gia khi có thông tin cho rằng kỹ sư Trung Quốc ở Bắc...