Quốc gia NATO chào đón các tài phiệt Nga bị phương Tây trừng phạt
Giới tài phiệt Nga đang tìm kiếm một nơi để né tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO, lập tức có những tín hiệu cho thấy nước này là ứng viên sáng giá.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang tích cực mời gọi các tài phiệt Nga nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây đến với quốc gia này. Ảnh: Getty
CNBC hôm 30/3 đưa tin, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua chia sẻ rằng, nước này hoan nghênh các nhà tài phiệt Nga, bao gồm cả những người trong danh sách trừng phạt của phương Tây, chuyển hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là du khách và nhà đầu tư. Miễn sao, các giao dịch kinh doanh của các nhà tài phiệt Nga tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trước đó một ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, "các tập đoàn tư bản nhất định" có thể "đặt cơ sở của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ". Theo CNBC, ông Erdogan muốn nhắc tới sự xuất hiện gần đây của một số tài sản có giá trị của các tỷ phú Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 2 du thuyền và một chuyên cơ riêng của tỷ phú Roman Abramovich.
Các tuyên bố của Tổng thống và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên đồn đoán rằng, Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên NATO - có thể đang tích cực khuyến khích các tỷ phú Nga trong danh sách trừng phạt của phương Tây, tới đầu tư ở nước này nhằm củng cố nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn. Theo Reuters, giới siêu giàu Nga đang tích cực đầu tư vào quốc gia thành viên NATO này.
Tuy nhiên, Defne Arslan, giám đốc tại Hội đồng Đại Tây Dương (Thổ Nhĩ Kỳ), nói với CNBC rằng: "Việc thu hút nguồn tiền Nga từ các tỷ phú bị phương Tây trừng phạt có thể gây tổn hại cho Thổ Nhĩ Kỳ trong dài hạn".
Tìm kiếm sự cân bằng
Theo CNBC, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách “đi trên dây” trong phản ứng với chiến sự ở Ukraine.
Dù chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không trừng phạt Moscow giống Mỹ hay các nước EU. Về nguyên tắc, Ankara nói rằng không ủng hộ các biện pháp trừng phạt Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ còn tích cực giữ vai trò hòa giải, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán hòa bình mới nhất giữa phái đoàn Nga và Ukraine hôm 29/3.
Cuộc đàm phán ở Istanbul có những tín hiệu tích cực khi Moscow đồng ý giảm các cuộc tấn công quân sự vào 2 thành phố Kiev và Chernihiv, trong khi phía Ukraine đề xuất áp dụng quy chế trung lập để đổi lấy các đảm bảo an ninh.
Lập trường trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là xuất phát từ việc nước này có quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Nga, đặc biệt là về năng lượng, quốc phòng, thương mại và du lịch. Vì vậy, các đồng minh phương Tây không gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải hưởng ứng và áp lệnh trừng phạt với Nga.
Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một địa điểm lý tưởng để những người Nga né trừng phạt của phương Tây. Thực tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài và tài sản xa xỉ có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vốn rơi vào khủng hoảng kể từ tháng 9/2021 do lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, Emre Peker, chuyên gia tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng, sự nhân nhượng của các đồng minh phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm dần nếu quốc gia này tiếp tục tích cực thu hút đầu tư của các tỷ phú Nga nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn cơ hội để củng cố nền kinh tế và hưởng lợi từ sự chuyển dịch của cải từ Nga mà không gây ra các phẫn nộ về kinh tế và chính trị.
Defne Arslan, giám đốc tại Hội đồng Đại Tây Dương (Thổ Nhĩ Kỳ), cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thu hút đầu tư từ 450 thương hiệu phương Tây đã rút khỏi Nga.
"Nếu khéo léo, tôi nghĩ đây có thể là cơ hội lớn với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc thu hút đầu tư từ các thương hiệu phương Tây sẽ không làm phật ý các đồng minh phương Tây. Ankara còn tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài", bà Arslan nói.
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, "cánh cửa Thổ Nhĩ Kỳ đang mở rộng" với các công ty muốn tìm kiếm đầu tư bên ngoài nước Nga.
"Không chỉ các công ty Mỹ, mà nhiều thương hiệu và tập đoàn từ nhiều nơi trên thế giới đang rời khỏi Nga. Dĩ nhiên, chúng tôi luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư đến với Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Phương Tây cần có chiến lược rõ ràng hơn trong khủng hoảng Ukraine, bắt đầu bằng cách công khai đưa ra các điều kiện sẽ dỡ bỏ trừng phạt nếu Nga đồng ý.