Quốc gia muốn “sống chung với Covid-19”, nhiều bang nói không
Chính phủ của Thủ tướng Úc Scott Morrison đang đối mặt với nhiều sức ép phải mở cửa sau quãng thời gian siết chặt các biện pháp phòng dịch nhưng số ca nhiễm vẫn không giảm.
Khung cảnh vắng lặng ở Melbourne trong những ngày phong tỏa vì Covid-19.
Sau 18 tháng tuyên bố chiến thắng Covid-19, Úc đối mặt với làn sóng lây lan của biến thể Delta kể từ tháng 6.2021.
Kết quả là Úc thời gian qua liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày vượt mốc 1.000. Hôm 4.9, Úc ghi nhận 1.758 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến ngày 3.9, một nửa dân số trong tổng số 25 triệu người ở Úc sống ở các khu vực phong tỏa chặt. Các thành phố lớn ở phía đông nước Úc như Sydney, Melbourne đã áp đặt lệnh phong tỏa suốt nhiều tháng.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn, gia đình bị chia rẽ, trong khi phong tỏa kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân.
Đối mặt với làn sóng biểu tình, sức ép phát triển kinh tế, chính phủ của Thủ tướng Úc Scott Morrison đã thông báo chấm dứt chiến lược “không Covid-19”, chuyển sang “sống chung với virus” kể từ ngày 22.8.
Ngược lại, nhiều bang ở Úc lại không đồng tình với quyết định của ông Morrison. Các bang như Tây Úc, Nam Úc, Queensland và Tasmania đến nay vẫn giữ số ca nhiễm tiệm cận mức 0. Thủ hiến các bang này không muốn vội vàng mở cửa.
Thủ hiến bang Tây Úc, Mark McGowan phản đối kế hoạch mở cửa của chính phủ.
Mark McGowan, thủ hiến bang Tây Úc, nói: “Mở cửa vội vàng là điều điên rồ, khiến virus lây lan sang các bang khác”.
“Bang của chúng tôi đang rất ổn định, người dân không sống trong cảnh phong tỏa, nền kinh tế vững vàng đã giúp gánh vác các khu vực khác của đất nước”, ông McGowan nói. “Chúng tôi muốn chính phủ cân nhắc tình hình ở tất cả các bang, chứ không chỉ những nơi dịch bệnh lây lan mạnh nhất”.
Thủ hiến bang Queensland, Annastacia Palaszczuk cho rằng mở cửa sẽ khiến virus xâm nhập vào lãnh thổ bang. Bà Annastacia đặt câu hỏi về việc “sống chung với Covid-19” sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các trẻ em thuộc nhóm chưa tiêm chủng.
“Chúng tôi có những câu hỏi về sự an toàn của các gia đình, của trẻ em”, bà Annastacia nói.
Tại phòng khám ở Perth, bác sĩ đa khoa Donough O'Donovan nói rất nhiều bệnh nhân của ông - đặc biệt là những người cao tuổi - lo lắng về một đợt bùng phát Covid-19 ở Tây Úc nếu chính phủ quyết định mở cửa.
"Những người như vậy rất sợ mở cửa... Họ lo lắng về những gì sẽ xảy ra, rằng Tây Úc rồi cũng hứng chịu đợt dịch tồi tệ như bang New South Wales”, O'Donovan nói.
Trong khi đó, người dân thành phố Melbourne đã tỏ rõ sự mệt mỏi vì phong tỏa kéo dài. Tối ngày 31.8, Luke Stepsys, cư dân thành phố Melbourne, nhận ra tủ lạnh đã hết sữa. Nhưng Luke không thể ra ngoài vì đã hơn 9 giờ tối, giờ giới nghiêm ở thành phố.
“Tôi đã tiêm đầy đủ vaccine và vẫn mắc kẹt ở nhà như bị giam lỏng”, Luke nói. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Melbourne đã trải 210 ngày phong tỏa với nhiều đợt dịch khác nhau, người dân đã tỏ rõ sự mệt mỏi.
Người dân Sydney xếp hàng chờ tiêm vaccine.
“Tôi không biết mình đã phải ở yên tại nhà bao nhiêu ngày và sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ để chuyện này kết thúc”, Luke nói thêm.
Ở bang New South Wales lân cận, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã vượt mức 1.000. Thủ hiến bang New South Wales và bang Victoria hoàn toàn ủng hộ kế hoạch mở cửa của ông Morrison.
Hôm 2.9, New South Wales là bang đầu tiên tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 70% người dân.
Tony Blakely, nhà dịch tễ học ở Melbourne, nói chính phủ cần thận trọng trong chiến lược mở cửa, cần đảm bảo các cộng đồng dân cư đã tiêm chủng đầy đủ.
“Nếu vội vàng sống chung với Covid-19, mà khu vực này mới tiêm vaccine được 40%, khu vực kia đã tiêm 90% thì đó là vấn đề thực sự”, Tony nói.
Trong bối cảnh các bang ở Úc đang hết sức mâu thuẫn về chiến lược chống dịch, có khả năng một số bang sẽ sớm mở cửa với thế giới, trong khi các bang khác vẫn ngăn cấm.
“Trong thời gian tới, người dân sống ở bang New South Wales có thể đáp chuyến bay ra nước ngoài, nhưng lại không thể lái xe sang bang khác. Thật không thể tin được”, Josh Frydenberg, một cư dân ở Úc, nói trên CNN.
Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng trên thế giới, đặt mục tiêu sống chung với Covid-19,...
Nguồn: [Link nguồn]