Quốc gia láng giềng ngả về Trung Quốc, tranh chấp chủ quyền biên giới với Ấn Độ
Quyết định mới của Nepal mở ra tranh chấp chủ quyền mới với Ấn Độ, trong bối cảnh quốc gia này ngày càng xích lại gần Trung Quốc.
Một người biểu tình Nepal đốt hình nộm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Theo SCMP, kể từ cuộc đụng độ chết người giữa quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc, Nepal không hề gửi lời chia buồn.
3 ngày sau, Tổng thống và quốc hội Nepal phê chuẩn tấm bản đồ mới, coi 62km2 lãnh thổ ở vùng Kalapani thuộc chủ quyền Nepal. Vùng đất này hiện do Ấn Độ kiểm soát.
Ấn Độ trước đây đã bác bỏ ý định của Nepal, coi đây là “yêu sách không dựa trên yếu tố lịch sử hay có bất kì bằng chứng cụ thể nào”. Nhưng Nepal vẫn kiên quyết phê chuẩn tấm bản đồ mới vào ngày 18.6.
Trong một động thái “đổ thêm dầu vào lửa”, tham mưu trưởng quân đội Nepal, tướng Purna Chandra Thapa đã đến thị sát biên giới Ấn Độ-Nepal, gần vùng Kalapani.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hiện chưa chính thức phản ứng sau khi Nepal phê chuẩn tấm bản đồ. Động thái này rõ ràng khiến Ấn Độ lo ngại vì New Delhi sẽ phải phân tán lực lượng ở các vùng biên giới.
Kalapani được coi là vùng đất có ý nghĩa chiến lược vì nằm ở ngã ba nối với Ấn Độ, Trung Quốc và Nepal. Tranh chấp lãnh thổ Ấn Độ-Nepal đã diễn ra âm thầm từ cách đây 200 năm nhưng vấn đề chưa bao giờ trở nên căng thẳng như hiện nay.
“Trước đây, Kathmandu chưa bao giờ cụ thể hóa tuyên bố chủ quyền của mình. Nhưng khi thấy Ấn Độ công bố bản đồ bao trọn cả vùng Kalapani, Nepal cảm thấy cần phải hành động”, chuyên gia Pramod Jaiswal, giám đốc viện nghiên cứu hợp tác và quan hệ quốc tế Nepal, nhận định.
Nepal gần đây đã những động thái xích lại gần Trung Quốc. Yanqi, đại sứ Trung Quốc ở Nepal, đã có cuộc gặp quan trọng với các lãnh đạo đảng cầm quyền của Nepal.
Kalapani là khu vực chiến lược nằm ở ngã ba kết nối Ấn Độ, Nepal và Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái có chuyến thăm Nepal, ký thỏa thuận xây đường cao tốc từ Trung Quốc đến Nepal, xuyên qua dãy Himalaya. Ở chiều ngược lại, Nepal phản đối chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng.
“Trung Quốc đang rất tích cực lôi kéo Nepal, đảm bảo rằng hai quốc gia duy trì mối quan hệ thân thiện”, Rae, một cựu đại sứ Nepal, nói.
Chuyên gia Jaiswal đến từ viện nghiên cứu Nepal cũng đồng tình: “Ấn Độ chưa thể hiện thành ý giải quyết bất đồng với Nepal. Nếu Ấn Độ chịu đàm phán về vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc thì Nepal cũng phải có quyền tương tự”.
Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Nepal phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động giao thương với Ấn Độ và quân đội Nepal yếu thế hơn Ấn Độ rất nhiều.
Nhưng một khi xung đột nổ ra giữa Ấn độ và Trung Quốc, một Nepal ngả về Trung Quốc sẽ khiến New delhi gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các vùng lãnh thổ tranh chấp. Đây là điều mà giới chức Ấn Độ lo ngại nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Ấn Độ 20.6 đã thay đổi nguyên tắc đụng độ (ROE), cho phép các binh sĩ tuần tra được quyền nổ súng ở khu...