Quốc gia khiến Ấn Độ và Pakistan phải "nghe lời", tránh chiến tranh hạt nhân

Quốc gia này có vai trò lớn và cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn chiến tranh nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan.

Quốc gia khiến Ấn Độ và Pakistan phải "nghe lời", tránh chiến tranh hạt nhân - 1

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan khiến nhiều chuyên gia lo ngại chiến tranh có thể xảy ra (Ảnh minh họa)

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã leo thang sau vụ đánh bom tự sát giữa tháng 2 ở khu vực tranh chấp Kashmir khiến 40 cảnh sát bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng. Nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammad (JeM) ở Pakistan tuyên bố chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công này.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm cuối tháng 2 sau khi Ấn Độ nói rằng họ đã bắn hạ một máy bay phản lực Pakistan.

Giữa bối cảnh này, nhiều chuyên gia lo ngại chiến tranh có thể nổ ra giữa hai quốc gia láng giềng.

Joshua T. White, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp tại Đại học John Hopkins, cho rằng Mỹ có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ chiến tranh Ấn Độ-Pakistan.

Theo White, Ấn Độ và Pakistan là một trong những địa điểm có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân cao nhất trên thế giới.

Trong khi đó, Washington có mối liên hệ chặt chẽ với cả hai nước. Mỹ coi Ấn Độ là đối tác lâu dài có thể giúp ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, coi Pakistan là một quốc gia không mấy dễ chịu nhưng không thể thiếu trong các cuộc đàm phán để kết thúc cuộc chiến 17 năm của Mỹ ở Afghanistan.

Quốc gia khiến Ấn Độ và Pakistan phải "nghe lời", tránh chiến tranh hạt nhân - 2

Binh lính Ấn Độ tuần tra ở biên giới giáp với Pakistan

Mỹ luôn muốn ngăn chặn nguy cơ Pakistan có hành động “khiêu khích” Ấn Độ, theo chuyên gia White. Họ đã thử một loạt các chiến lược để tác động lên Pakistan: Tăng hỗ trợ an ninh rồi giảm hỗ trợ an ninh; mở rộng đối thoại ngoại giao rồi hạn chế đối thoại; thực hiện các cuộc tấn công chống khủng bố hợp tác và cả các cuộc tấn công chống khủng bố đơn phương; khuyến khích sự tham gia của báo chí quốc tế nhằm cô lập Pakistan; đe dọa rồi lại vỗ về; khen ngợi, nài nỉ và rồi làm ngơ.

Chuyên gia nhấn mạnh Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn chiến tranh nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan.

Thứ nhất, Mỹ có thể giảm nguy cơ xung đột hạt nhân bằng cách giúp đảm bảo an ninh cho Ấn Độ. Quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ trong các lĩnh vực như thực thi pháp luật, chống khủng bố, chia sẻ thông tin tình báo và an ninh biên giới đã tiến bộ đáng kể, nhưng thậm chí còn có thể tăng cường hơn nữa. Các quan chức Mỹ cũng nên khuyến khích các đối tác Ấn Độ suy nghĩ lại về sự quản lý chặt chẽ ở khu vực tranh chấp Kashmir. Sự có mặt thường xuyên của binh lính Ấn Độ ở đây mang lại cơ hội tấn công cho các nhóm phiến quân và kẻ thù khác của Ấn Độ.

Quốc gia khiến Ấn Độ và Pakistan phải "nghe lời", tránh chiến tranh hạt nhân - 3

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng

Thứ hai, Washington cũng có thể đưa ra thông điệp công khai rõ ràng hơn với Pakistan. Ông White đề xuất Mỹ cứng rắn hơn trong việc chỉ trích các cuộc tấn công được cho là thực hiện bởi các nhóm thánh chiến có căn cứ tại Pakistan.

Thứ ba, cùng với các đồng minh của mình, Mỹ có thể hạn chế khả năng tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu của Pakistan cho đến khi Pakistan chứng minh rằng họ đang giải quyết vấn đề về các nhóm phiến quân. Washington nên báo hiệu họ sẽ chấp nhận “cách xử lý từ từ” miễn là những nỗ lực của Pakistan đầy đủ và bền vững.

White nói trong thập kỷ qua, ông đã chứng chiến hơn chục cuộc tập trận mô phỏng cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan. Bài học rút ra từ những mô phỏng đó là không nước nào biết hành động trả đũa của mình có thể đưa xung đột đến gần chiến tranh hạt nhân hay không. Không bên nào có thể yên tâm rằng động thái của họ là động thái cuối cùng.

Vì lý do này, cuộc khủng hoảng gần đây đặt ra câu hỏi liệu Mỹ sẽ làm gì trong trường hợp khủng hoảng nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan.

Một trong những bí mật của ngoại giao là việc gây ảnh hưởng đến “bạn” thường khó hơn với “thù”. Mối quan hệ sâu sắc Mỹ-Ấn Độ đã làm tăng sự mong đợi của hai bên về sự hỗ trợ mỗi khi gặp khó khăn. Nhưng cuộc xung đột gần đây có thể khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ thúc ép New Delhi có các cuộc đối thoại thực tế hơn giữa Mỹ và Ấn Độ về quản lý khủng hoảng.

Quốc gia khiến Ấn Độ và Pakistan phải "nghe lời", tránh chiến tranh hạt nhân - 4

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên lảng tránh cuộc xung đột gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan, chuyên gia White nhận định

Mỹ có thể muốn làm rõ rằng sự hỗ trợ của Mỹ cho Ấn Độ trong cuộc khủng hoảng chỉ được đảm bảo về nguyên tắc chứ không ràng buộc trên thực tế. Mỹ cũng sẽ khuyến khích các đối tác Ấn Độ thực hiện các đánh giá thực tế về hậu quả của các hành động quân sự của họ.

Chính quyền Trump đang đối mặt với vô vàn thách thức trên khắp thế giới nhưng họ không nên lảng tránh cuộc xung đột gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan, chuyên gia White nhận định. Họ cần suy nghĩ cẩn thận về cách đối phó với một Pakistan sẵn sàng chấp nhận rủi ro và hỗ trợ Ấn Độ một cách hợp lý. Tóm lại, Mỹ không thể tránh khỏi vai trò xử lý căng thẳng leo thang tại một trong những điểm nóng hạt nhân khó đoán nhất thế giới.

Pakistan thử vũ khí hủy diệt mới, “dằn mặt” Ấn Độ

Pakistan khẳng định nếu bị xâm lược, họ sẵn sàng đáp trả toàn lực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - The Atlantic ([Tên nguồn])
Tin tức Pakistan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN