Quốc gia giàu thứ 5 thế giới từng trở thành tỉnh của nước láng giềng sau 2 ngày
Chiến dịch xâm lược Kuwait mở màn ngày 2.8.1990 và chỉ sau 2 ngày, Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein tuyên bố Kuwait là tỉnh thứ 19 của Iraq và nước này nghiễm nhiên sở hữu thêm 20% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Iraq chiếm Kuwait chỉ sau 2 ngày giao tranh.
Theo số liệu năm 2017, Kuwait là quốc gia giàu thứ 5 thế giới với GDP bình quân đầu người ở mức khoảng 73.000 USD năm. Kuwait có số dân chỉ khoảng 4,5 triệu người nhưng lại hết sức giàu có nhờ trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 6 thế giới.
Quan hệ Iraq-Kuwait
Giống như các nước ở Tây Á và vùng Vịnh, Kuwait trở thành quốc gia độc lập vào năm 1961, chấm dứt sự bảo hộ của người Anh. Chính phủ Iraq khi đó không công nhận Kuwait, coi là vùng lãnh thổ cần phải bị thu hồi.
Kể từ đó, Iraq đã nhiều lần tuyên bố Kuwait là một phần của đất nước, nhưng bị liên đoàn Ả Rập phản đối quyết liệt. Năm 1973, Iraq kiểm soát một khu vực dọc biên giới giữa hai nước, nhưng sau đó buộc phải trả lại vì Ả Rập Saudi gây sức ép.
Kuwait là quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược ở vùng Vịnh.
Giai đoạn 1980-1988, Iraq gây chiến với Iran. Trong 2 năm đầu tiên, Kuwait tỏ ra trung lập nhưng sau đó quay sang ủng hộ Iraq vì lo ngại phong trào Hồi giáo Iran lan tỏa khắp khu vực.
Kuwait cấp nguồn tài chính dồi dào lên 14 tỉ USD để Iraq tham chiến. Khi cảng Basra của Iraq bị tàn phá, Kuwait cũng mở hải cảng giúp san sẻ gánh nặng.
Kết thúc chiến tranh, Iraq không muốn trả tiền vay nợ nên muốn Kuwait bỏ qua, cho rằng đôi bên đều hưởng lợi. Nhưng chính phủ Kuwait không chấp nhận.
Hai lãnh đạo Iraq-Kuwait gặp nhau nhiều lần vào năm 1989 nhưng không giải quyết được bất đồng.
Giọt nước trở nên tràn ly khi Kuwait đơn phương tăng sản lượng khai thác dầu, khiến giá dầu chững lại, Iraq không có thêm nguồn thu. Iraq cáo buộc Kuwait “ăn trộm” 2,4 tỉ USD tiền dầu vì khai thác trái phép mỏ dầu Rumaila của Iraq.
Đến tháng 7.1990, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đồng ý giảm sản lượng khai thác xuống 1,5 triệu thùng/ngày.
Sụp đổ chỉ sau 2 ngày
Mặc dù Kuwait đã giảm sản lượng, căng thẳng giữa hai nước vẫn leo thang. 2 giờ sáng ngày 2.8.1990, quân đội Iraq bất ngờ tràn qua biên giới Kuwait.
Mỹ và liên minh không mấy khó khăn khuất phục Kuwait.
Ước tính khoảng 100.000 quân Iraq đồng loạt tấn công quốc gia láng giềng từ nhiều hướng. Quân đội Kuwait hoàn toàn lép vế với chỉ 16.000 người, chủ yếu bảo vệ thủ đô.
Giao tranh diễn ra ác liệt ở cung điện Dasman ở thủ đô Kuwait. Kết quả là em trai của quốc vương Kuwait, Fahd Al-Ahmad thiệt mạng. Quốc vương Kuwait và toàn bộ chính phủ chạy sang Ả Rập Saudi tị nạn.
Kết thúc chiến dịch sau đúng 2 ngày, quân Iraq bắt sống 12.000 lính Kuwait, phá hủy 250 xe tăng, 850 xe bọc thép cùng hàng chục máy bay và tàu chiến.
Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein tuyên bố Kuwait là tỉnh thứ 19 của Iraq. Quân đội Iraq thỏa sức cướp bóc thủ đô Kuwait, ước tính số tiền cướp được tại các ngân hàng Kuwait lên tới 1 tỉ USD. Iraq cũng kiểm soát thêm 20% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, cũng như cảng biển chiến lược ở Vịnh Ba Tư.
Một nửa số dân Kuwait khi đó, khoảng 400.000 rời quê hương sơ tán. Số công dân nước ngoài rời Kuwait cũng chiếm tỉ lệ lớn, với 170.000 người Ấn Độ.
Mỹ và liên minh can thiệp
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) ngay lập tức bác bỏ việc Irap sáp nhập lãnh thổ Kuwait, yêu cầu quốc gia này rút quân. Iraq phớt lờ dù bị cấm vận thương mại toàn diện.
Ngày 9.8, Mỹ đưa thêm quân đến vùng Vịnh, Saddam Hussein đáp trả bằng việc bổ sung 300.000 lính đến trấn giữ Kuwait.
Trước khi rút quân, Iraq đốt cháy hơn 600 giếng dầu của Kuwait.
UNSC đặt thời hạn chót ngày 15.1.1991 để Iraq rút quân, nếu không sẽ dùng vũ lực.
Qua thời hạn chót, ngày 16.1.1991, Mỹ dẫn đầu liên minh 32 nước, mở chiến dịch tấn công Iraq. Trong suốt 6 tuần, không một nơi nào ở Iraq là không bị dội bom.
Saddam Hussein đáp trả bằng cách phóng tên lửa sang Israel và Ả Rập Saudi. Ngày 24.2, Mỹ mở chiến dịch trên bộ nhằm vào Iraq. Chỉ trong một ngày, quân Đồng minh đánh bại quân Iraq, bắt sống 10.000 tù binh.
4 ngày sau, Iraq rút quân khỏi Kuwait trong sự kiện “Xa lộ Tử thần” đẫm máu. Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush tuyên bố ngừng bắn vì Kuwait đã được giải phóng.
Ngày 15.3.1991, quốc vương Kuwait quay trở lại tiếp quản đất nước sau 7 tháng sống lưu vong. UNSC dỡ bỏ cấm vận Iraq với điều kiện Saddam Hussein phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Một năm trước khi bị lật đổ, năm 2002, Saddam Hussein chính thức xin lỗi về việc ra lệnh xâm lược Kuwait. Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở các nước vùng Vịnh và cả ở Kuwait đến ngày nay.
Hình ảnh những người lính Iraq chết cháy thành than ở “Xa lộ Tử thần” vượt sức tưởng tượng của nhiều người về...
Nguồn: [Link nguồn]