Quốc gia giáp Ukraine trở thành "mũi nhọn" của NATO trong đối phó Nga
Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, Ba Lan đang ngày càng củng cố vị thế là thành viên quan trọng hàng đầu trong chiến lược của NATO.
Binh sĩ quân đội Ba Lan.
Ủng hộ Kiev một cách mạnh mẽ, quốc gia Trung Âu có chung đường biên giới với Ukraine và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, đang là bức tường chống đỡ sức ép từ Nga nhằm vào sườn phía đông của NATO, theo đài Al Jazeera.
Cùng với Mỹ, Anh và các nước vùng Baltic, Ba Lan ủng hộ các chính sách nhằm trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.
“Ba Lan đang là mũi nhọn của NATO trong chiến lược đối phó Nga vào thời điểm này”, Theodore Karasik, chuyên gia phụ trách các vấn đề Nga và Trung Đông tại tổi chức Jamestown Foundation, nói với Al Jazeera.
“Ba Lan giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Điều này dấy lên lo ngại về điều gì sẽ xảy ra trong tương lai khi Nga ngày càng có những hành động quyết liệt hơn với NATO”, ông Karasik nói.
“Trong bối cảnh NATO coi Nga là mối đe dọa trước mắt, khu vực biển Baltic và lối ra vào từ các nước thành viên NATO ở vùng biển này sẽ là điểm nóng căng thẳng với Nga trong tương lai”, ông Karasik dự đoán.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Ba Lan đã muốn các cường quốc trong liên minh NATO thúc đẩy an ninh hơn nữa cho nước này.
Ba Lan là quốc gia châu Âu có chung đường biên giới với Ukraine, Belarus và vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga.
Năm 2018, Ba Lan đề xuất xây dựng căn cứ chung với Mỹ, được gọi là “Fort Trump”, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump.
Nhưng đề xuất bị lãng quên vì ông Trump quyết định rằng căn cứ Mỹ trên đất Ba Lan là động thái gây kích động với Nga.
Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra từ ngày 24.2 đã định hình lại cục diện an ninh châu Âu và mang lại những thay đổi lớn trong mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và Ba Lan.
Tại hội nghị NATO diễn ra cuối tháng trước, Mỹ thông báo sẽ thành lập trụ sở Quân đoàn 5 ở Ba Lan, tạo thêm sức nặng cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực.
“Có những điều tưởng chừng như là không thể, nhưng đã trở thành hiện thực ở thời điểm này”, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Marcin Przydacz đưa ra tuyên bố sau thông báo của Mỹ.
Hôm 18.7, Ba Lan thông báo 7 xe tăng chủ lực M1 Abrams của Mỹ đã lần đầu tiên xuất hiện ở nước này với nhiệm vụ huấn luyện, giúp binh sĩ Ba Lan làm quen với xe tăng mới.
“Xe tăng Abrams mà binh sĩ Ba Lan được huấn luyện đã xuất hiệntrong lãnh thổ quốc gia”, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Błaszczak nói.
“Chúng tôi sẽ sẵn sàng (vận hành mẫu xe tăng này) khi lô hàng xe tăng M1 Abrams gồm 250 chiếc mà chúng tôi đặt hàng được chuyển đến”, ông Błaszczak nói thêm. “Ba Lan sẽ có lực lượng chiến đấu hiện đại để răn đe hành động gây hấn của đối phương trong trường hợp khẩn cấp”.
Xe tăng chủ lực Abrams được Mỹ đưa tới Ba Lan hôm 18.7.
Hồi tháng 4, Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 4,74 tỉ USD với Mỹ để mua 250 xe tăng Abrams thế hệ mới, nhằm thúc đẩy năng lực quốc phòng của nước này trong chiến lược đối phó Nga.
Tuần trước, ông Błaszczak, người kiêm nhiệm chức Phó Thủ tướng, nói Ba Lan đã “đồng ý mua thêm 116 xe tăng Abrams đã qua sử dụng của Mỹ với giá ưu đãi”.
Đây là số xe tăng mà Mỹ muốn bán cho Ba Lan để bù đắp việc nước này đã gửi hơn 240 xe tăng T-72 cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Ba Lan với vị thế chiến lược trong liên minh NATO, được Mỹ ưu tiên bán cho xe tăng Abrams phiên bản M1A2 SEPv3 mới nhất với những nâng cấp toàn diện. Quân đội Mỹ chỉ mới tiếp nhận xe tăng phiên bản M1A2 SEPv3 từ năm 2020.
Các xe tăng Abrams đầu tiên sẽ được Mỹ giao cho Ba Lan vào cuối năm nay và đơn hàng sẽ hoàn tất vào năm 2026, theo báo Mỹ 19fortyfive.
Quân đội Ba Lan có kế hoạch đưa các xe tăng Abrams đời mới nhất tới tiếp thêm sức mạnh cho tuyến phòng thủ ở phía đông nước này, cũng là sườn phía đông của NATO trong chiến lược đối phó Nga.
Các xe tăng Abrams trực thuộc Sư đoàn cơ giới số 18 của bộ binh Ba Lan và sẽ phối hợp tác chiến cùng các lực lượng NATO.
Trong tương lai, Ba Lan cũng sẽ là quốc gia mà Mỹ đặt một căn cứ phòng thủ tên lửa. Mỹ nói căn cứ này tạo nên lá chắn phòng thủ tên lửa, bảo vệ NATO khỏi mối đe dọa từ các đối thủ ở Trung Đông.
Nhưng với xung đột ở Ukraine, lá chắn Mỹ đặt tại Ba Lan cũng sẽ có thêm nhiệm vụ ngăn chặn các tên lửa phóng từ Nga, theo 19fortyfive.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng, bằng cách bao che cho Ukraine, 2 nước thành viên NATO là Pháp và Đức đã khiến Minsk – thỏa thuận nhằm ngừng bắn ở Donbass – bị...