Quốc gia EU phản đối việc áp giá trần khí đốt Nga, đòi được miễn trừ
Hungary tuyên bố sẽ không đồng ý với kế hoạch áp giá trần khí đốt Nga của EU, đồng thời cho biết thêm rằng nếu EU vẫn quyết định làm vậy, Hungary phải được xem là ngoại lệ.
Đồng hồ đo áp suất khi đốt tại khu chứa Zsana, thuộc làng Zsana Hungary ngày 20/5. Ảnh: Reuters
Hãng Reuters ngày 21/10 dẫn lời một trợ lý của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này không chấp nhận việc áp giá trần khí đốt Nga vì như vậy đồng nghĩa với việc Moscow sẽ dừng cung cấp khí đốt cho Hungary.
"Việc áp giá trần sẽ không hiệu quả. Hậu quả là nguồn cung khí đốt ở châu Âu sẽ giảm, đồng nghĩa giá khí đốt sẽ tăng. Vấn đề giá cả sẽ không được giải quyết", ông Balazs Orban, một trợ lý của Thủ tướng Hungary, nói với hãng Reuters.
"Với Hungary, việc áp giá trần khí đốt Nga là không thể chấp nhận vì Moscow đã cảnh báo rằng nếu điều đó xảy ra, Nga sẽ không cung cấp khí đốt cho Hungary. Nhìn từ góc độ an ninh năng lượng, điều này rất khó chấp nhận với chúng tôi.
Vì vậy, nếu EU ra quyết định áp giá trần khí đốt Nga, họ phải có một mô hình hoặc ngoại lệ với Hungary, giống như những gì đã xảy ra với dầu Nga", ông Balazs nói thêm.
Phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu thô từ Nga, Hungary là nước thành viên được miễn trừ vào tháng 6, trong khi các nước còn lại đồng ý việc dừng mua dầu Nga từ tháng 12 năm nay.
Hungary, một thành viên của EU, đã và đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế khi giá đồng nội tệ (đồng forint) đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng euro. Đây là hệ quả của việc ngân hàng trung ương Hungary hồi tháng 9 quyết định không tiếp tục tăng lãi suất dù lạm phát đã chạm ngưỡng 20%.
Quyết định trên của ngân hàng trung ương Hungary đã bị đảo ngược vào ngày 17/10. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, quyết định hồi tháng 9 của ngân hàng trung ương là một quyết định độc lập. Chính phủ hoàn toàn tin tưởng vào thống đốc ngân hàng trung ương Gyorgy Matolcsy.
Các nhà lãnh đạo của EU đang thảo luận về ý tưởng áp giá trần khí đốt nhập khẩu, bao gồm khí đốt Nga. Ít nhất 15 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU đã ủng hộ ý tưởng này với kỳ vọng sẽ kiềm chế giá năng lượng và lạm phát.
Các quốc gia thành viên còn lại, trong đó có Đức và Hungary, tỏ ra hoài nghi về ý tưởng này. Các nước này lo ngại việc áp giá trần khí đốt Nga sẽ làm sai lệch tín hiệu giá từ thị trường, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ cao hơn. Việc áp giá trần khí đốt cũng có thể gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung vì nhà cung cấp (ngoài EU) có thể không chấp nhận bán khí đốt với mức giá do một tập đoàn thuộc EU quy định.
Nguồn: [Link nguồn]
Hơn 15 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy một mức trần giá khí đốt nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan