Quốc gia EU để Nga xây lò phản ứng hạt nhân, không cần đấu thầu
Dự án xây 2 lò phản ứng hạt nhân, thuộc nhà máy điện Paks, của Hungary sẽ do Tập đoàn Rosatom của Nga đảm nhận và khởi công ngay trong vài tuần tới.
Nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary (ảnh: CNN)
Cơ quan quản lý hạt nhân Hungary đã cấp phép xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân thuộc nhà máy điện hạt nhân Paks cho Tập đoàn Rosatom (Nga), CNN hôm 27/8 đưa tin.
Nhà máy điện hạt nhân Paks với 4 lò phản ứng, nằm cách thị trấn cùng tên khoảng 5 km, được xây dựng bởi công nghệ Liên Xô vào những năm 1980. Đây là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ điện của quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Theo CNN, thỏa thuận xây mới 2 lò phản ứng thuộc nhà máy điện Paks được Nga và Hungary ký kết từ năm 2014 nhưng đến nay mới bắt tay thực hiện do một thời gian phía Budapest chưa cấp phép.
2 lò phản ứng hạt nhân mới trị giá 12,5 tỷ USD dự kiến sẽ được xây dựng gần thị trấn Paks, cách thủ đô Budapest của Hungary khoảng 100 km về phía nam. Ngoại trưởng Hungary – ông Szijjarto – cho biết, các lò phản ứng mới có thể đi vào hoạt động năm 2030.
“Đây là một bước tiến lớn, một dấu mốc quan trọng. Giờ đây, chúng tôi sẽ chuyển từ giai đoạn lập kế hoạch sang thi công”, CNN dẫn lời ông Peter Szijjarto.
“Với dự án mới, chúng tôi có thể đảm bảo an ninh năng lượng của Hungary về dài hạn và bảo vệ người dân khỏi biến động về giá năng lượng”, ông Peter Szijjarto nhận xét.
Với dự án mới, Hungary có thể tăng gấp đôi công suất của nhà máy Paks. Hungary vay Nga khoảng 10 tỷ USD để thực hiện dự án này.
Theo CNN, chính phủ Hungary cấp phép xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân cho Rosatom mà không cần tổ chức đấu thầu. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ “nồng ấm” giữa Hungary và Nga.
Hungary đồng ý để Nga xây lò phản ứng hạt nhân trong bối cảnh quan hệ Moscow – EU gia tăng căng thẳng, liên quan tới tình hình xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa Nga và Hungary không vi phạm lệnh cấm của EU do khối này không áp lệnh trừng phạt với ngành năng lượng hạt nhân Nga.
Trong khi đó, Phần Lan – một quốc gia thành viên EU khác – đã đình chỉ dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hanhikivi-1 với Tập đoàn Rosatom. Phần Lan cho rằng, dự án do Rosatom thi công bị chậm tiến độ và xung đột ở Ukraine khiến dự án gặp rủi ro.
Nguồn: [Link nguồn]
Kathryn Huff – trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ – cảnh báo, nếu Washington cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga, sẽ không có nguồn khác để lấp đầy khoảng trống.