Quốc gia Đông Nam Á trở thành tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung
Mỹ và Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực lôi kéo Philippines trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở nhiều mặt, không chỉ bao gồm vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (phải) thăm Philippines hồi tháng trước.
Hôm 18.9, Bộ Nông nghiệp Philippines thông báo phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm từ động vật do Mỹ tài trợ đã được mở ở khu vực miền trung đảo Luzon, theo SCMP.
Trước đó, Sung Kim, đại sứ Mỹ ở Philippines thông báo đã chuyển 5.000 dụng cụ vệ sinh và 16 trạm rửa tay cho thị trưởng Manila để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19.
Tháng trước, Mỹ cũng hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á 100 máy thở. Những động thái lôi kéo của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có chuyến thăm Philippines.
Trong cuộc gặp, hai bên nhất trí gia hạn bản ghi nhớ năm 2004 về hợp tác quốc phòng và nỗ lực quản lý tốt hơn các tranh chấp ở Biển Đông. Ông Ngụy cũng đại diện Bắc Kinh, cam kết hỗ trợ các vật tư phi chiến đấu trị giá 20 triệu USD cho quân đội Philippines.
Các nhà quan sát nhận định, những động thái của Trung Quốc và Mỹ đã nêu bật tầm quan trọng chiến lược mà hai cường quốc dành cho Philippines, theo SCMP.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của Tập đoàn RAND, nói Philippines có tầm quan trọng đáng kể với Mỹ, không chỉ là nơi đặt căn cứ quân sự Mỹ, mà còn là đồng minh duy nhất của Mỹ có tham gia trực tiếp đến vấn đề tranh chấp Biển Đông.
“Mối quan hệ này giúp Mỹ có lý do để can thiệp vào vấn đề Biển Đông nếu xung đột xảy ra trong tương lai”, ông Grossman nói.
Kang Lin, nhà nghiên cứu tại Đại học Hải Nam, Trung Quốc, nói mối quan hệ Mỹ-Philippines là lý do Trung Quốc rất cố gắng lôi kéo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Đại sứ Mỹ tại Philippines trao dụng cụ vệ sinh và trạm rửa tay cho thị trưởng Manila.
So với những người tiền nhiệm, ông Duterte có lập trường thân thiện hơn với Trung Quốc và cứng rắn hơn với Mỹ trong chính sách ngoại giao, ông Kang nói.
Trong 4 năm qua, Manila và Bắc Kinh đã ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỉ USD, thiết lập cơ chế tham vấn để giải quyết bất đồng trong vấn đề Biển Đông.
“Manila đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh”, ông Kang nói.
Grossman cho rằng, Bắc Kinh rất muốn kéo Manila khỏi quỹ đạo của Washington, làm suy yếu hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
Năm 2019, quân đội Mỹ tổ chức gần 300 cuộc tập trận với Philippines, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hiệp ước quốc phòng mà Mỹ ký với Philippines bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Đại sứ Kim nói hiệp ước cũng có hiệu lực khi Trung Quốc dùng lực lượng dân quân biển để gây sức ép với Philippines.
Giới quan sát cho rằng mối quan hệ Manila-Bắc Kinh chỉ là tạm thời, nhất là khi nhiều thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc vào Philippines vẫn còn nằm trên giấy.
“Một mặt, ông Duterte muốn giảm sự lệ thuộc của Philippines vào Mỹ”, cố vấn chính sách của chính phủ Philippnines, Richard Heydarian nói. “Mặt khác, giới chức Philippines vẫn đảm bảo rằng ông Duterte sẽ không đưa Manila nghiêng hết về Bắc Kinh, làm tổn hại quan hệ với Washington”.
Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Duterte sẽ kết thúc vào năm 2022. Ông Kang cho rằng, khoảng thời gian hơn một năm còn lại là lúc Bắc Kinh cần củng cố mối quan hệ với Manila.
“Tân tổng thống Philippines dù chưa biết là ai, nhưng nhiều khả năng sẽ không thân thiện với Trung Quốc như ông Duterte”, ông Kang nói.
Trung Quốc cáo buộc máy bay do thám Mỹ đã cải trang thành máy bay dân sự nhiều lần trong năm nay, tạo ra “mối đe dọa nghiêm...
Nguồn: [Link nguồn]