Quốc gia đồng minh Nga có động thái sau khi Moscow thông báo tập trận hạt nhân chiến thuật

Hôm 7/5, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tập trận hạt nhân chiến thuật, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cũng chỉ đạo quân đội Belarus kiểm tra đột xuất các đơn vị và phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko.

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus, trung tướng Viktor Khrenin ngày 7/5 nói Tổng thống Alexander Lukashenko đã ra lệnh kiểm tra đột xuất các đơn vị và phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo tờ Kyiv Post.

"Một đơn vị thuộc hệ thống tác chiến - chiến thuật Iskander và một phi đội chiến đấu cơ Su-25 đã được chuẩn bị để thực hiện các nhiệm vụ đã định", ông Khrenin nói. "Chúng tôi sẽ kiểm tra công tác lập kế hoạch, chuẩn bị và kiểm tra khả năng tập kích bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật".

Tổng thống Belarus Lukashenko khẳng định cuộc diễn tập "hoàn toàn nhằm mục đích phòng thủ". Ông Lukashenko nói quân đội Belarus cần diễn tập phóng tên lửa đẩy lùi đợt tấn công giả định nhắm vào nước này.

"Trong quá trình kiểm tra, vũ khí đặc biệt sẽ được cấp cho các đơn vị tên lửa và hàng không để nạp lên bệ phóng và gắn lên giá treo trên máy bay. Các lực lượng vận hành hệ thống tác chiến - chiến thuật Iskander và Polonez sẽ bí mật di chuyển tới các vị trí được chỉ định, thực hành mô phỏng tấn công bằng tên lửa nhằm đẩy lùi một cuộc tấn công có thể xảy ra vào Belarus", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Belarus cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin kiểm tra cuộc tập tận hạt nhân chiến thuật vào ngày 7/5/2024. Phía sau ông Khrenin là hệ thống Iskander có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin kiểm tra cuộc tập tận hạt nhân chiến thuật vào ngày 7/5/2024. Phía sau ông Khrenin là hệ thống Iskander có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Ông Lukashenko đưa ra chỉ thị một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tập trận hạt nhân chiến thuật. Bộ Quốc phòng Nga nói cuộc tập trận sẽ diễn ra trong tương lai gần nhằm đáp trả những tuyên bố khiêu khích và lời đe dọa từ một số quan chức phương Tây.

Nga và Belarus là hai quốc gia đồng minh có mối liên hệ chặt chẽ. Tháng 5/2023, hai bên ký thỏa thuận cho phép Nga đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Cuối năm ngoái, ông Lukashenko xác nhận quá trình vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga tới Belarus đã được hoàn tất vào tháng 10/2023. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài.

Mặc dù Nga vẫn giữ quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật nhưng Moscow đã cấp cho Belarus các phương tiện cần thiết để phóng vũ khí hạt nhân, bao gồm các bệ phóng tên lửa Iskander-M. Tháng 1/2024, Belarus nói Nga đã giúp sửa đổi hệ thống pháo phản lực đa nòng Polonez-M để bổ sung thêm khả năng phóng vũ khí hạt nhân.

Cũng trong khoảng thời gian này, giới chức Belarus thông báo quốc gia đã sửa đổi học thuyết quân sự để cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi đã trao đổi rõ ràng về việc sử dụng các vũ khí hạt nhân. Một chương mới mở ra, khi chúng tôi định nghĩa rõ ràng các nghĩa vụ với đồng minh”, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng An ninh vào ngày 16/1/2024.

Thư ký Hội đồng An ninh Belarus, Alexander Volfovich nói việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở nước này là nhằm răn đe Ba Lan, nước thành viên NATO có chung biên giới với Belarus.

"Các tuyên bố của nước láng giềng, đặc biệt là từ Ba Lan đã buộc chúng tôi phải sửa đổi học thuyết quân sự", ông Volfovich nói.

Người đứng đầu cơ quan an ninh Belarus cho biết, nước này vừa ngăn chặn một cuộc tấn công vào thủ đô Minsk bằng máy bay không người lái phóng từ Lithuania, báo chí Nga đưa tin. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Kyiv Post ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN