Quốc gia ĐNA "sống chung với Covid-19": 2 tuần nữa sẽ ra sao?
Một chuyên gia về mô hình dự đoán các bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Singapore cảnh báo, số ca mắc mới trong ngày của nước này có thể lên tới 10.000 ca trong 2 tuần tới, nếu tốc độ lây nhiễm vẫn ở mức cao như hiện tại. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng cao trong ngày không phải là vấn đề đáng lo ngại
Một nhà hàng phục vụ bữa tối ở Singapore. Ảnh: Reuters
Theo SCMP, Alex Cook, phó hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock (Singapore), nói rằng, mô hình dự đoán của ông cho thấy số ca nhiễm mới trong ngày của Singapore vào tuần tới sẽ là 5.000 ca/ngày. Một tuần sau đó, con số này tăng gấp đôi. Ngày 30/9, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 2.474 ca mắc mới.
Mô hình dự báo của ông Alex nhấn mạnh tốc độ nhanh chóng của đợt lây lan hiện tại ở quốc gia 5,45 triệu dân. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng cao trong ngày không phải là vấn đề đáng lo ngại, khi 82% dân số Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin Covid-19.
Hiệu quả của việc tiêm chủng vắc xin thể hiện rõ rệt qua các thống kê. Số liệu chính thức cho thấy, có khoảng 28.000 người ở Singapore nhiễm Covid-19 trong 28 ngày qua. Trong số này, 98% là các ca có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Chỉ 1,6% trong số này cần bổ sung oxy và 0,2% bị mắc bệnh nặng.
Trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng, một số chuyên gia y tế địa phương đề nghị giới chức Singapore xem xét việc giảm xét nghiệm để tìm ra những người nhiễm không triệu chứng.
Theo các chuyên gia này, những ngày gần đây, giới chức tập trung xét nghiệm tìm người nhiễm không triệu chứng. Sau đó, họ đưa những người nhiễm không triệu chứng tới bệnh viện hoặc gửi vào các cơ sở chăm sóc cộng đồng. Việc này bị một số chuyên gia y tế địa phương đánh giá là đang gia tăng áp lực cho hệ thống y tế. Đồng thời, nó cũng làm tăng nguy cơ với những người nhiễm Covid-19 thể nặng vì họ cần được chăm sóc y tế hơn so với người không có triệu chứng.
Giới chức Singapore vẫn nhấn mạnh, số ca nhiễm mới tăng cao, điều không ai mong muốn, sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn của quốc gia Đông Nam Á hướng tới sống chung với Covid-19.
Để ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm mới như hiện tại, Singapore đã áp dụng một loạt các hạn chế mới, gồm giới hạn lượng người ăn tối (chỉ tối đa 2 người ở các hàng quán, áp dụng từ 27/9), các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể...
Kể từ 30/9, người cao tuổi, kể cả đã tiêm phòng đầy đủ, được khuyến cáo ở nhà và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết, áp dụng trong 4 tuần tới.
Khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong vì Covid-19 tăng mạnh ở những người cao tuổi. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 của Singapore tính tới 30/9 là 95 người, trong đó, tính riêng trong tháng 9 là 40 người.
Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội vi sinh lâm sàng và nhiễm trùng châu Á - Thái Bình Dương, đã có đề xuất 8 điểm nhằm đối phó đại dịch Covid-19 ở Singapore.
Ông Tambyah đề nghị dừng việc xét nghiệm tìm ra người nhiễm không triệu chứng để tiết kiệm nguồn lực cho những người cần được chăm sóc hơn, đồng thời, kêu gọi giới chức dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa và hạn chế.
Thay vào đó, các biện pháp hạn chế nên tập trung vào các mục tiêu cụ thể hơn. "Hãy đóng cửa và phong tỏa tòa nhà hoặc cơ sở có ổ dịch bùng phát, thay vì phong tỏa cả đất nước. Những nơi không có ca nhiễm, việc phong tỏa không cần thiết sẽ cản trở sự phát triển", ông Tambyah đề xuất.
Alex Cook, phó hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock (Singapore) cho rằng, việc xét nghiệm quy mô lớn rất hiệu quả ở giai đoạn đầu đại dịch - khi mà Singapore đang cố gắng khoanh vùng, ngăn dịch lây lan. "Nhưng ở thời điểm này, việc xét nghiệm tràn lan để tìm cả người nhiễm không triệu chứng đang gây tranh cãi gay gắt", ông Alex nói.
Nếu xét nghiệm quy mô lớn dẫn tới việc các ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tự cách ly, đó sẽ là cách hiệu quả để ngăn virus lây lan. Nhưng nếu việc xét nghiệm quy mô lớn lại dẫn đến việc đông người dồn đến các bệnh viện, thì nó gây hại nhiều hơn lợi, theo ông Alex.
Số ca tử vong vì Covid-19 gia tăng được coi là trở ngại cho kế hoạch mở cửa trở lại của Singapore.
Nguồn: [Link nguồn]