Quốc gia ĐNA kêu gọi người dân rời Myanmar càng sớm càng tốt

Bộ Ngoại giao quốc gia Đông Nam Á này kêu gọi công dân rời khỏi Myanmar ngay khi còn có thể trong bối cảnh bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát Myanmar ngày càng leo thang sau vụ đảo chính hôm 1.2

Người biểu tình nấp sau khiên chắn khi đụng độ với cảnh sát ở Myanmar (ảnh: Daily Mail)

Người biểu tình nấp sau khiên chắn khi đụng độ với cảnh sát ở Myanmar (ảnh: Daily Mail)

“Những công dân Singapore hiện ở Myanmar nên rời đi càng sớm càng tốt bằng mọi phương tiện. Hãy rời đi khi còn có thể”, Bộ Ngoại giao Singapore thông báo hôm 4.3.

Singapore là quốc gia đầu tư vốn nhiều nhất vào Myanmar. Hiện có hơn 500 công dân Singapore sinh sống ở quốc gia Đông Nam Á đang chìm sâu vào bất ổn.

Trong cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN mới đây, Singapore kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar dừng ngay việc sử dụng bạo lực đối với người biểu tình phản đối đảo chính một cách ôn hòa.

Không chỉ nhiều người Singapore muốn rời khỏi Myanmar, cùng ngày 4.3, Ấn Độ cũng phát hiện ít nhất 9 cảnh sát Myanmar vượt biên và trốn sang nước này.

Theo một quan chức Ấn Độ, 9 cảnh sát này đã vượt biên để thoát khỏi tình trạng bất ổn chính trị ở quê nhà. Kể từ sau ngày 1.2, hàng loạt vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến hơn 50 người tử vong ở Myanmar.

“Họ là những cảnh sát cấp thấp. Họ không mang theo vũ khí”, quan chức Ấn Độ giấu tên nói.

Ấn Độ có chung đường biên giới trên bộ dài 1.643 km với Myanmar.

Người biểu tình dựng hàng rào ở Yangon (ảnh: Daily Mail)

Người biểu tình dựng hàng rào ở Yangon (ảnh: Daily Mail)

Tình hình chính trị ở Myanmar vẫn rất căng thẳng khi người biểu tình phản đối đảo chính tỏ ra không lùi bước trước cảnh sát.

Ở thành phố Mandalay hôm 4.3, người ta nhìn thấy 5 máy bay tiêm kích bay tầm thấp trên không khi người biểu tình tràn xuống đường.

Ở thành phố Yangon, người biểu tình dùng lốp xe và hàng rào dây thép gai để chặn các con đường lớn, ngăn cản bước tiến của cảnh sát.

Nhiều nhân chứng nói rằng họ bị cảnh sát bắn mà không cảnh báo trước. Cảnh sát Yangon cũng chặn xe cứu thương đến hỗ trợ người biểu tình và đánh đập nhân viên y tế.

“Cảnh sát không nên sử dụng vũ khí gây sát thương đối với người biểu tình. Tôi sẽ không bao giờ quên và tha thứ cho họ trong suốt quãng đời còn lại”, Min Pyae Phyo – một người biểu tình ở Yangon – nói.

Myanmar: Vừa được quân đội bổ nhiệm làm đại sứ ở LHQ, quan chức làm ngay điều bất ngờ

Vài ngày sau khi tuyên bố cách chức Đại sứ tại Liên Hợp Quốc của ông U Kyaw Moe Tun, chính quyền quân sự Myanmar đã bổ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Reuters, Daily Mail ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN